Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em
VOV.VN - Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay tiếp tục kêu gọi toàn xã hội dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em |
Tham gia lễ phát động có hàng trăm học sinh tỉnh Hòa Bình. Với những thông điệp: Trẻ em có quyền được sống an toàn để phát triển; Bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em là vi phạm pháp luật; roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên; Hãy gọi 18001567 khi thấy trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột... lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay nhằm tiếp tục kêu gọi toàn xã hội dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Tham gia lễ phát động, Hoàng Thu Thùy, học sinh lớp 8, trường THCS Thái Bình, tỉnh Hòa Bình bày tỏ: “Cháu hiểu rằng một thế giới không bạo lực trẻ em là trẻ em được học hành, được vui chơi và làm những điều mình muốn; được hòa đồng và tham gia các chương trình bổ ích. Cháu chưa từng bị bạo hành cũng chưa chứng kiến trường hợp nào bị bạo hành nhưng nếu cháu bị bạo hành hoặc nhìn thấy bạo hành, cháu sẽ giải thích cho người lớn hiểu quyền trẻ em, đồng thời báo với cơ quan chức năng, báo cho thầy cô giáo can thiệp để bạn đó được hưởng quyền của trẻ em”.
Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2008-2010, cả nước có khoảng 3.000-4.000 vụ bạo hành trẻ em. Có những trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc có hành vi xâm hại, bạo lực. Tháng hành động vì trẻ em năm nay cũng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, lên tiếng tố cáo, thông báo với các cơ quan chức năng những nguy cơ và hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, góp phần hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại; Phát triển các dịch vụ bảo vệ trẻ em, sẵn sàng tiếp nhận thông báo tố cáo và hỗ trợ, can thiệp kịp thời trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Lễ phát động |
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị: “Trước tiên là các địa phương phải quán triệt trong nhận thức mỗi người dân. Khi phát hiện bạo lực, xâm hại thì phải phản ánh đến các cơ quan chức năng. Khi có vụ việc diễn ra các địa phương phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm, tạo mọi điều kiện để các em được vui chơi và đảm bảo được quyền bình đẳng. Đó là những hành động thiết thực hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em Việt Nam”.
Ngay tại lễ phát động, các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 6 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam./.