Không ai phủ nhận được hiệu quả của việc chữa bệnh bằng Đông y và từ lâu nước ta đã khuyến khích Đông - Tây y kết hợp để điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo ước tính, cả nước có hàng chục nghìn người hành nghề lương y không phép, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho người bệnh và đặt ra câu hỏi về vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y dược cổ truyền.
|
Ba Pham Thị Nụ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. |
Nằm ngay trung tâm phố Ga, thị trấn Thường Tín, Hà Nội, cơ sở chữa viêm xoang bằng y học cổ truyền của bà Phạm Thị Nụ trưng biển khá bắt mắt. Năm nay hơn 70 tuổi, bà Nụ là hội viên Hội đông y huyện Phú Xuyên nhưng hành nghề tại huyện Thường Tín. Trên tường phòng khách, bà treo rất nhiều giấy khen của Hội Đông y. Tuy nhiên, bà Nụ thừa nhận: chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Bà Phạm Thị Nụ cho biết: “Chúng tôi cũng đã học 12 chứng chỉ, nhưng không xin được giấy phép hành nghề. Cả huyện Thường Tín cũng chỉ có vài người có chứng chỉ hành nghề. Huyện Phú Xuyên cũng vậy”.
Theo ông Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, từ năm 2011, Luật Khám, chữa bệnh quy định phải có giấy chứng nhận là lương y do Sở Y tế cấp mới được cấp chứng chỉ đã khiến nhiều người không đủ điều kiện hành nghề. Trên địa bàn Thủ đô hiện có tới 4.000 người hành nghề y dược cổ truyền chưa được cấp phép, trong đó có hơn 2.000 người trực tiếp khám chữa bệnh bằng Đông y đang hành nghề “chui”.
Ông Nguyễn Hồng Siêm nói: “Họ hoạt động không phép, chúng tôi không kiểm soát được. Bây giờ họ cứ hành nghề, mưu sinh bằng nghề của họ. Khi mà xảy ra tai biến (điều này không thể nói trước được) sẽ rất bức xúc, lúc đó người hành nghề chui sẽ bị chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không ai can thiệp được…”.
Theo Hội Đông y Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố cũng có tới 600 lương y chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Mặc dù, việc cấp chứng chỉ hành nghề được quy định chặt chẽ nhằm quản lý tốt hơn nhưng ước tính cả nước lại có hàng chục nghìn người hành nghề lương y không phép là điều không thể chấp nhận được.
|
Biển hiệu của cơ sở của bà Phạm Thị Nụ ở Thường Tín- Hà Nội. |
Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - Trần Văn Bản cho biết: “Đợt vừa rồi Bộ Y tế cũng cho phép tổ chức thi, sát hạch, công nhận trình độ lương y. Còn một số đối tượng lương y thừa kế bài thuốc của gia đình hoặc không học đầy đủ các chứng chỉ theo quy định sẽ chưa được cấp. Việc này, Bộ Y tế và Hội Đông y sẽ thống kê xem còn bao nhiêu người đủ điều kiện mà chưa được cấp chứng chỉ”.
Cũng theo Hội Đông y Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 70.000 hội viên và dự kiến đến hết năm nay sẽ thống kê chính xác có bao nhiêu người hành nghề khám chữa bệnh đông y có phép hay không phép. Trên thực tế, số người hành nghề không phép rất nhiều nhưng số trường hợp bị xử lý lại rất ít. Chỉ khi nào xảy ra những vấn đề bức xúc, cơ quan chức năng mới xử lý người hành nghề lương y.
|
Bên cạnh những cơ sở đông y được cấp phép là rất nhiều phòng khám "chui". |
Năm ngoái, tại Lâm Đồng, một bà cụ 73 tuổi tử vong tại phòng khám Đông y không phép. Gần đây nhất, một phòng khám Đông y hoạt động trong Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội; khi phụ huynh học sinh phản ánh, phòng khám “chui” này mới bị lộ ra…. Thực tế vừa nêu khiến dư luận đặt câu hỏi, cơ quan chức năng buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho người hành nghề không phép?
Những người hành nghề “chui” như chúng tôi vừa phản ánh đang rất phổ biến trong cả nước, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng “tiền mất tật mang” khi người bệnh gặp phải những “lang băm”. Vậy để xảy ra tình trạng vừa nêu trách nhiệm thuộc về ai?/.