Đối với người Ê Đê, quá trình làm ra một ché rượu cần ngon cần đến nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố thời tiết và lựa chọn thời điểm trộn men, ủ rượu. Gia đình bà Aduôn Bap ở buôn Kó Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc đang chuẩn bị nấu rượu cần, để dành đón những khách quý đến nhà trong mùa xuân mới.
Hai mẹ con chị H Phiu và aduôn Bap thức dậy từ rất sớm, thổi lửa nhóm bếp để chuẩn bị nấu mẻ rượu cần mới.
Trong ngôi nhà dài tranh tối sáng, khói bếp tỏa nhè nhẹ, ngọn lửa cháy lên màu đỏ bập bùng.
Trong lúc aduôn Bap bắc nồi đun nước, chị H Phiu ngồi sàng nong gạo đã chuẩn bị sẵn, nhặt sạch những hạt sạn còn sót lại, vo sạch rồi thả vào nồi nước đang sôi.
Khi nồi cơm bắt đầu sôi, để cơm không bị vón cục, aduôn Bap dùng đũa cả đảo qua một lượt cho cơm sôi thật đều trước khi hạ lửa
Nồi cơm đã chín tới, 2 mẹ con đổ cơm ra nong rộng, rải thành một lớp mỏng để cơm thật nguội.
Mem đã nhuyễn, cơm đã thật nguội, chị H Phiu rắc lớp men lên cơm và trộn đều để men quyện đều vào hạt cơm.
Trộn men xong, chị rắc thêm lớp vỏ trấu sạch và trộn đều lần nữa để khi cơm rượu lên men không bị vón cục và không bị tắc lỗ cần khi uống.
Trước khi đưa rượu vào ché, 2 mẹ con chị H Phiu và aduôn Bap ra vườn cắt ít lá chuối, đem vào rửa sạch lau khô rồi hơ sơ qua lửa để đậy miệng ché rượu.
Cơm rượu đã thấm men, hương thơm dìu dịu là có thể đặt vào ché ủ. Tùy vào kích thước của ché mà người làm rượu có thể ước lượng lượng gạo nấu để làm rượu.
Sau 2 tuần là rượu cần đã lên men hoàn toàn và có thể uống được. Khác với các loại rượu khác, càng để lâu rượu cần sẽ càng thấm men và hương vị càng ngon hơn.