Hậu Giang nâng cấp dự báo cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm
VOV.VN - Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang đã quyết định nâng cấp cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) trên tất cả các khu rừng trong tỉnh.
Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, làm thiệt hại nhiều diện tích rừng như: tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cà Mau… Riêng, địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng xảy ra nhiều vụ cháy nhưng chủ yếu là cháy cỏ, diện tích vườn tạp, cháy nhà. Bên cạnh đó, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiệt độ vào buổi trưa thường xuyên ở mức 36 độ C – 38 độ C. Qua kết quả kiểm tra mục trắc vật liệu cháy ở các vùng trọng điểm tại các khu rừng trong tỉnh thuộc huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ lớp thực bì, dây leo trong rừng đã chết và rất khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.
Do đó, để chủ động triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang quyết định nâng cấp cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) trên tất cả các khu rừng trong tỉnh.
Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang đề nghị, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các huyện, xã, phường, thị trấn có rừng và đơn vị chủ rừng trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên vận hành các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cũng như bố trí máy chữa cháy ở các khu vực trọng điểm, điều động lực lượng chữa cháy rừng tại chổ luôn trong tư thế sẳn sàng, đảm bảo kịp thời chữa cháy khi xảy ra sự cố. Mặt khác, thường xuyên tổ chức tuần tra liên ngành về bảo vệ rừng gắn với công tác huấn luyện thao tác chữa cháy rừng và thực tập chữa cháy rừng tại đơn vị; đồng thời quản lý, kiểm soát chặt chẽ không để người dân sử dụng lửa trong rừng, gần rừng trong sinh hoạt, vệ sinh đồng ruộng, khai thác mật ong,… Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp ra vào rừng trái phép, đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là nghiêm túc tổ chức ứng trực cháy rừng xuyên suốt 24/24 kể cả ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ.
Người đứng đầu các địa phương có rừng và đơn vị chủ rừng nếu không kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật theo quy định.