Hãy lên tiếng trước những hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em

VOV.VN -Toàn xã hội với trách nhiệm và lương tâm của mình, hãy lên tiếng trước những hành vi xâm hại, bạo lực và bóc lột trẻ em.

Trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.500 vụ xâm hại và bạo lực đối với trẻ em. Điều đáng buồn là rất nhiều vụ xâm hại và ngược đãi trẻ lại xảy ra ngay tại chính ngôi nhà mà các em sinh sống. Hãy “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.

Họp báo tháng hành động vì trẻ em năm 2014

PV: Thưa ông, tình trạng xâm hại, bạo lực và ngược đãi trẻ em đang có chiều hướng gia tăng, vậy phải chăng sự vào cuộc, phát hiện và can thiệp của cán bộ cơ sở làm công tác này chưa mạnh mẽ?

Ông Đặng Hoa Nam: Những vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em thường diễn ra đằng sau cánh cửa của mỗi ngôi nhà, thường bị che giấu bởi những hành vi của tội phạm và những người xâm hại trẻ em. Để phát hiện những hành vi này, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả mọi người. Chính vì thế khi nhận được thông tin từ phía người dân, ngành lao động thương binh và xã hội, ngành công an ở các địa phương, hiện nay chúng tôi đều có các đầu mối, có số điện thoại nóng để tiếp nhận thông tin từ phía người dân.

Từ khi chúng ta thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em”, thực hiện Chương trình Quốc gia về bảo vệ trẻ em theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay hệ thống dịch vụ về bảo vệ trẻ em đã tương đối phát triển ở cả trung ương và địa phương. Có thể nói rằng, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành lao động thương binh và xã hội, ngành công an đã tích cực và hiệu quả hơn trước sau khi tiếp nhận thông tin những vụ việc xâm hại trẻ em.

PV: Lâu nay chúng ta vẫn nói ngôi nhà là nơi an toàn, bảo vệ trẻ một cách tốt nhất. Thế nhưng, thực tế thì nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ lại diễn ra ngay trong chính ngôi nhà mà các em sinh sống, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?.

Ông Đặng Hoa Nam: Không chỉ riêng ở Việt Nam mà đây là vấn đề toàn cầu. Theo dõi các phương tiện truyền thông gần đây, chúng tôi vô cùng đau xót khi phần lớn những vụ bạo lực trẻ em, những đối tượng xâm hại, bạo lực trẻ em là những người thân, người gần gũi các em. Ví dụ như cha mẹ, người chăm sóc, người trong gia đình, họ hàng, thậm chí là những người hàng xóm.

Nguyên nhân của vụ việc, thậm chí gia tăng tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em theo tôi có những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, đó là sự xuống cấp của về mặt đạo đức xã hội do người lớn không nêu gương.

Thứ hai là có một số áp lực về phía tâm lý xã hội dẫn đến hành vi bạo lực, bạo hành trẻ em và mặt khác là cha mẹ không đủ thời gian để chăm sóc con em mình. Thứ 3 là cha mẹ và người chăm sóc trẻ không được cập nhật những kiến thức để mà bảo vệ trẻ.

Còn các quy định của pháp luật cần phải bổ sung, làm thế nào chúng ta bảo vệ, giữ bí mật được cho những người tố cáo và chúng ta bảo vệ kịp thời nạn nhân và xử lý thật nghiêm minh những hành vi xâm hại bạo lực đối với trẻ em.

PV: Thưa ông, Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề là “Hành động vì một xã hội không bạo lực và không xâm hại trẻ em”, vậy chúng ta kỳ vọng gì qua Tháng hành động này?

Ông Đặng Hoa Nam: “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” là mục tiêu dài hạn và chúng ta sẽ phải làm trong nhiều năm. Tuy nhiên, mục tiêu trong năm nay, thông qua chiến dịch truyền thông kêu gọi toàn xã hội, mỗi người dân hãy lên tiếng trước những hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, hãy lên tiếng để tố cáo, thông báo cho cơ quan chức năng về những hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bởi vì muốn lên tiếng đòi hỏi sự dũng cảm, đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm.

Để người dân lên tiếng cần có sự bảo vệ và giữ bí mật của cơ quan pháp luật. Người dân sẽ không lên tiếng nếu việc làm của họ không có sự can thiệp hiệu quả.  Chính vì thế, chúng tôi mong muốn toàn xã hội thấy được trách nhiệm và lương tâm của mỗi người, được pháp luật bảo vệ, hãy lên tiếng trước những hành vi xâm hại, bạo lực và bóc lột trẻ em.

Trong số những người cần phải lên tiếng, có trẻ em bởi trẻ em là người hiểu bạn bè mình nhất. Điều này đòi hỏi sự giáo dục, sự hướng dẫn của người lớn để làm sao các em có thể mạnh dạn lên tiếng, các em có những kỹ năng bảo vệ mình, tự giải thoát cho mình.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên