Hãy xoá bỏ lao động trẻ em

Trên thế giới, có khoảng 215 triệu lao động trẻ em và khoảng 115 triệu em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Lao động trẻ em là một vấn đề của toàn cầu

Nhân Ngày thế giới chống lao động trẻ em (12/6), ILO ra thông điệp khẩn cấp, kêu gọi các nước xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em.

“Ngày thế giới chống lao động trẻ em" lần thứ 11 này trùng với thời điểm diễn ra Vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup 2010) tại Nam Phi, do đó, trong thông điệp gửi tới toàn thế giới, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế, ông Hoan Somavia phát biểu: "Hãy để niềm hân hoan của World Cup tiếp sức cho chúng ta vượt qua thách thức, thực hiện được những chiến lược và mục tiêu đặt ra”, trong đó có mục tiêu chấm dứt hoàn toàn lao động trẻ em cực khổ vào năm 2016.

Theo ông Somavia, trong khi hàng tỷ người trên khắp hành tinh đang hào hứng với ngày hội bóng đá, khoảng 250 triệu trẻ em vẫn phải lao động cực khổ để kiếm sống. Đối với các em, giáo dục và vui chơi là xa xỉ.

Ngày "Thế giới chống lao động trẻ em" được tổ chức tại hơn 60 nước trên thế giới với nhiều hoạt động tập trung vào sáng kiến “Chiến dịch thẻ đỏ chống lao động trẻ em” với khẩu hiệu “Một bàn thắng - một mục tiêu: Xoá bỏ lao động trẻ em” của ILO. Nhân dịp này, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng ra thông cáo báo chí kêu gọi thế giới chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Theo Báo cáo toàn cầu được đưa ra trong Hội nghị Toàn cầu về Lao động Trẻ em được tổ chức tại Hà Lan ngày 12/5 vừa qua, số lượng lao động trẻ em đang giảm dần, nhưng giảm rất nhẹ. Trên thế giới, có khoảng 215 triệu lao động trẻ em và khoảng 115 triệu em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Chung tay xoá bỏ lao động trẻ em

Chiều 12/6, ILO tại Việt Nam cùng với Liên đoàn Thể dục Việt Nam, Bộ VHTT&DL, Bộ LĐTBXH, Cơ quan Hợp tác Phát triển Tây Ban Nha và Save Children tổ chức sự kiện thể thao tại Sân vận động Quần Ngựa, Hà Nội để kỷ niệm ngày này.

Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam (LĐTTTD), Trưởng ban tổ chức sự kiện thể thao hưởng ứng ngày thế giới chống lao động trẻ em nêu rõ: “Năm 2010- năm chống lao động trẻ em đã thể hiện cam kết của của LĐTTTD trong nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em, qua đó hỗ trợ nâng cao nhận thức và hướng sự chú ý của mọi người tới vấn đề này. Số lượng lao động trẻ em đang giảm dần, nhưng hiện nay những nỗ lực chống lao động trẻ em có chiều hướng chững lại. Lao động trẻ em chưa được xóa bỏ, và còn rất nhiều các em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Chúng ta hãy cùng chung tay giải quyết vấn đề này”.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Lao động trẻ em là một vấn đề toàn cầu trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần phải có các giải pháp toàn diện, hiệu quả để ngăn ngừa, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em thoát khỏi vấn nạn này, đặc biệt các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Tôi và tất cả những người tham gia sự kiện này sẽ giơ Thẻ đỏ cho Lao động trẻ em”.


Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Bùi Hồng Lĩnh, nhiều trẻ em đang phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại. Chiến dịch toàn cầu nhằm chấm dứt lao động trẻ em này có ý nghĩa rất quan trọng và cần được hưởng ứng mạnh mẽ. Bộ LĐTBXH cam kết sẽ làm những gì tốt nhất có thể để hưởng ứng chiến dịch này, nhằm xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất tại Việt Nam.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Văn phòng tổ chức ILO tại Việt Nam cam kết, ILO sẽ cùng với Việt Nam nỗ lực giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần phải chung tay xóa bỏ lao động trẻ em ở bất kỳ hình thức nào. Trẻ em cần phải được đến trường. Trẻ em là tương lai của chúng ta, và vì vậy, mối ưu tiên trước hết là dành cho các em cơ hội học hành và phát triển kỹ năng.

… Mang lại tương lai tươi sáng cho trẻ em

Tại Ngày thế giới chống lao động trẻ em, tất cả các cầu thủ, vận động viên, huấn luyện viên và MC đều tình nguyện tham gia sự kiện để mong muốn góp sức gửi thông điệp “Thẻ đỏ cho lao động trẻ em” đến đại chúng. Huấn luyện viên Mai Đức Chung chia sẻ: “Tôi mong muốn truyền tải thông điệp tới tất cả những ai yêu thể thao nhất là môn bóng đá cũng như mọi người dân Việt Nam: Hãy xóa bỏ nạn lao động trẻ em. Hãy cho trẻ em cơ hội được học hành và vui chơi. Hãy cùng chung sức mang lại tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em. Tôi kêu gọi tất cả người dân Việt nam và những người hâm mộ bóng đã, hãy cùng tôi giơ Thẻ đỏ cho Lao động trẻ em”. Cùng chia sẻ quan điểm với ông Chung, Huấn luyện viên Calisto nói: “Trẻ em phải có quyền học tập và chơi các môn thể thao, trong đó có bóng đá. Tôi rất phấn khởi khi được là trọng tài cho trận đấu của các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các cầu thủ nổi tiếng của đội tuyển quốc gia. Chúng tôi sẽ cùng chơi bóng và cùng các em hát vang “Bài hát chống lao động trẻ em”.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung được trao danh hiệu Đại sứ thiện chí chống lao động trẻ em với hy vọng, thông điệp chống lao động trẻ em sẽ được truyền đến công chúng qua vị huấn luyện viên có nhiều đóng góp cho thể thao Việt Nam…

Dự án Lao động trẻ em của ILO tại Việt Nam được khai trương vào tháng 3/2010 và triển khai trong vòng 4 năm, với tên chính thức là Dự án hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình nhằm xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. ILO-IPEC là cơ quan điều hành dự án, Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ quản dự án và Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID) là đơn vị tài trợ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên