HĐND TP Hà Nội: Không nên chỉ hỗ trợ cho một nhóm lợi ích
(VOV) -Vẫn cần phải tập trung tháo gỡ rào cản giải bài toán tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp
Hôm nay (2/7), Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thảo luận và quyết định về thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu về nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 của thành phố.
HĐND TP cho rằng, với mức tăng trưởng GDP đạt 7,67%, cùng với thu ngân sách đạt thấp hơn mức cùng kỳ năm trước, bằng 38,8% dự toán so với 6 tháng đầu năm 2012 đạt 47,2% dự toán, nợ xấu có xu hướng tăng, nguyên nhân một phần do dư nợ tín dụng đạt thấp, thị trường bất động sản trầm lắng… sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2013 từ 8-8,5% . Với mục tiêu này, đặt ra nhiệm vụ 6 tháng còn lại thành phố phải đạt mức tăng trưởng 8,3-9,26% là rất khó thực hiện.
Đại biểu Châu Thị Thu Nga cho rằng, lãi suất ngân hàng giảm, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo đại biểu, để giải cứu thị trường bất động sản không chỉ là giải pháp tình thế mà cần có lộ trình cụ thể hỗ trợ lãi suất cho vay.
Thành phố cần cụ thế hóa cho các đối tượng, các doanh nghiệp chia theo khu vực và có chính sách cơ chế hợp lý đối với các mô hình sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thực sự và ưu đãi thêm một số hình thức khác cho phép doanh nghiệp nộp và có cơ chế thích hợp về chính sách thuế… để giúp các doanh nghiệp hồi sinh.
Đại biểu Lê Xuân Thành nêu ý kiến, báo cáo các chỉ số tăng trưởng kinh tế -xã hội cho thấy thực tế kinh tế thành phố chưa có dấu hiệu hồi phục. Đi sâu phân tích về thực trạng vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp mặc dù lãi suất cho vay đang rất thấp nhưng thực tế con số cho vay không đáng kể “Đa số các ngân hàng thì làm PR còn doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất từ 11,5%-13,5%, đó là một thực tế.
Theo đại biểu Phùng Thị Hồng Hà, Thành phố vẫn cần phải tập trung tháo gỡ rào cản giải bài toán tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, nhất là tập trung cho vay các đối tượng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phụ trợ, nông nghiệp nông thôn, làng nghề… Còn theo đại biểu Lê Hồng Thăng, không nên chỉ quan tâm hỗ trợ một nhóm lợi ích, mà phải quan tâm đến cả hệ thống doanh nghiệp.
Làm rõ thêm về vấn đề hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, đối với doanh nghiệp hỗ trợ phải có điều kiện cụ thể để tránh bao cấp để hỗ trợ lãi suất theo đầu tư. Tuy nhiên, thành phố cũng sẽ nghiên cứu mở rộng diện hỗ trợ này.
Theo kế hoạch giao thu ngân sách dự kiến của Hà Nội là 162.000 tỷ đồng, nhưng 6 tháng mới chỉ thu được 63.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Tưởng khẳng định sẽ thực hiện đúng điều hành chỉ đạo để thu đúng, thu đủ… đạt dự toán HDDND đã giao. Đây không phải việc thực hiện duy ý chí mà có căn cứ bởi kinh nghiệm cho thấy 6 tháng cuối năm kinh tế sẽ phát triển hơn. Lý do với việc cơ cấu lại ngân hàng hiện nay tăng trưởng tín dụng ngân hàng sẽ đạt 12% thì tăng trưởng kinh tế sẽ đạt hơn 8% như dự kiến thì việc thu ngân sách sẽ thuận lợi hơn; Tình hình kinh tế của một số nước có nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật đang có dấu hiệu phục hồi, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bzaril đang có tốc độ tăng trưởng hợp lý, một số nước trong khu vực cũng đang hồi phục ổn định, đó cũng là tín hiệu để nền kinh tế của chúng ta có điều kiện phát triển.
Trong trường hợp thu ngân sách chỉ đạt thấp vẫn có thể kiểm soát điều hành, trong điều kiện tiết kiệm chi thường xuyên thêm 10% nữa của những tháng còn lại. Những khoản như: Chi thường xuyên bố trí trong dự toán ngân sách các cấp mà không phân bổ được, chi đầu tư XDCB đã được phân bổ nhưng không triển khai được sẽ cho dừng sử dụng vốn. Bên cạnh đó, trong chỉ đạo điều hành Thành phố sẽ đẩy mạnh tốt hơn nữa việc tái cơ cấu đầu tư công, theo hướng đầu tư vào lĩnh vực then chốt quan trọng. Còn lĩnh vực nào có khả năng thu hồi vốn thì sẽ chủ trương cho xã hội hóa đầu tư để huy động các nguồn lực xã hội.
“Đầu tư BT, BOT là nguồn vốn cần thiết để cùng với đầu tư công thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thủ đô” - ông Nguyễn Huy Tưởng cho biết thêm./.