Hệ thống một cửa điện tử của TPHCM được người dân đánh giá cao
VOV.VN - Việc thí điểm cổng dịch vụ công và một cửa điện tử là hoạt động hiệu quả của cải cách hành chính.
Sau thời gian thí điểm, việc tiếp nhận và trả hồ sơ trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của TPHCM, theo Nghị định 61 năm 2018 của Chính phủ, bước đầu ghi nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của đông đảo người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tại hội nghị . |
Chiều nay (2/7), tại buổi sơ kết đánh giá kết quả triển khai thử nghiệm hệ thống, đánh giá sự hài lòng của người dân gắn với việc tiếp nhận, giải quyết xử lý hồ sơ, Uỷ ban nhân dân TPHCM cho biết: Việc thử nghiệm được thực hiện từ ngày 21/6 cho đến 30/6, tại UBND quận Tân Phú, quận 9 và huyện Củ Chi cùng 9 phường, xã, thị trấn thuộc các quận, huyện này. Các địa phương thực hiện thử nghiệm việc làm thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế, các thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú, khai tử… Quá trình chạy thử nghiệm hệ thống, các đơn vị thí điểm nhận được 330 hồ sơ và hơn 300 lượt đánh giá hài lòng.
Theo các địa phương, trên thực tế, quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, do các tính năng trên hệ thống còn mới nên người dân vẫn chưa quen với các phương thức khảo sát mới, cán bộ công chức còn lúng túng với thao tác và quy trình mới trong thực hiện, hạn chế về kết nối ha tầng…Nhưng những khó khăn này nếu được quan tâm đầu tư thì sẽ tháo gỡ được.
Tham dự hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Năm nay, Thành ủy TPHCM xác định là “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”. Việc thực hiện lấy “yếu tố con người” với ý thức tự đổi mới, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả trong quá trình cải cách hành chính.
Các địa phương tham dự hội nghị. |
Việc thí điểm cổng dịch vụ công và một cửa điện tử là hoạt động hiệu quả của cải cách hành chính. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Đến cuối năm 2019 phải đảm bảo 100% phường - xã - thị trấn công bố được tỷ lệ hài lòng người người dân; nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. 24 quận - huyện phải tổ chức tiếp nhận trực tuyến ý kiến của người dân, qua điện thoại, với thời gian xử lý cụ thể trong vòng 2 giờ đến 5 ngày.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói: "Mục tiêu ghi nhận sự đánh giá, nhưng phải số hoá toàn bộ hệ thống. Như thế lưu chuyển hồ sơ trên toàn hệ thống sẽ làm được ngay. Cụ thể sẽ giải quyết được cả 2 việc đó là, ngoài việc đánh giá khâu tiếp nhận, có phần mềm theo dõi công việc người dân sẽ biết hồ sơ của mình đang nằm ở đâu và có thể đánh giá từng khâu quá hạn hay không quá hạn. Ngoài ra giúp đánh giá cụ thể hàng quý, hàng tháng từ đó có cơ sở định lượng trong việc trả thu nhập tăng thêm cho các bộ viên chức, rất quan trọng"./.