Hiểm họa chực chờ khi cao tốc không có làn dừng khẩn cấp
VOV.VN - Việc đầu tư cao tốc với quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm khi quy hoạch các tuyến cao tốc, cần phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp.
Có là người lái xe đi trên các tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận hay Giầu Dây- Phan Thiết khi không có làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ mới thấy tâm trạng thực sự lo lắng mỗi khi lưu thông trên các tuyến đường này.
Điển hình như tuyến Trung Lương- Mỹ Thuận, nối liền với cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương dài hơn 100 km nhưng nếu chỉ vì một lý do muốn dừng xe đề bảo dưỡng máy thì gần như làm liều vì rất nguy hiểm. Các xe đều chạy tốc độ 80km/h, xe dừng đỗ phải né sát vạch taluy, làn dừng tránh khẩn cấp theo vạch sơn chỉ vài chục cm.
Không một lái xe hành khách nào đủ can đảm dám đứng, ngồi ở khu vực làn nghỉ này mà buộc phải trèo qua ta-luy để tránh tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bất cập hơn, tuyến cao tốc nối tiếp này dài hơn 100Km nhưng không hề có một trạm nghỉ dừng chân.
Khi tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số các tuyến cao tốc chưa có làn đường khẩn cấp, chưa có trạm dừng nghỉ đều chưa hoàn chỉnh về mặt thiết kế. Tức là một dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư làm nhiều giai đoạn; giai đoạn một nhiều tuyến chỉ có 4 làn xe; chưa có làn dừng khẩn cấp cũng như trạm dừng nghỉ.
Nhưng vì lý do để có đường, có cầu phục vụ việc đi lại trước mắt nên cứ đưa vào sử dụng theo kiểu "có gì dùng nấy”, rất bất cập; gây mất an toàn.
Lái xe bức xúc, nhà đầu tư, nhà quản lý cũng nhìn thấy; nhưng bài toán về kinh phí vẫn nan giải. Việc làm đường sá, hạ tầng mang tính chắp vá; làm xong đã lạc hậu theo kiểu "nhà nghèo” đang gây nhiều lo lắng cho người di chuyển; nhất là các tuyến đường này làm theo hình thức BOT có thu phí.
Về nguyên tắc, bên cung ứng dịch vụ phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mới được thu phí; thậm chí phải làm tốt hơn những gì mình đang có để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng nhằm làm hài lòng thượng khách.
Riêng ở nước ta câu chuyện làm đường sá, hạ tầng dang dở, bất cập có rất nhiều chuyện để bàn; nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế; nguồn vốn tư nhân thì đầu tư không phải nơi nào cũng thuận lợi. Trong khi các tuyến cao tốc luôn là huyết mạch đối với mỗi địa phương, mỗi vùng; có được đoạn nào là mọi người mừng hết lớn vì góp phần kết nối, thúc đẩy một phần kinh tế xã hội vùng đó, địa phương đó phát triển.
Do vậy, những sự chưa hoàn chỉnh, chắp vá nhiều lúc cũng được chấp nhận. Chỉ đến khi đưa vào sử dụng mới bộc lộ hạn chế, độ “vênh” lớn mới tiếp tục khắc phục, sửa chữa. Rõ ràng đã đến lúc làm hạ tầng, nhất là đường sá, cầu cống cần có tầm nhìn dài hạn; từ 10-15 năm; tránh làm vội vàng; vừa làm xong đã phải tìm cách mở rộng; thậm chí là làm tuyến 2 để giảm tải, giảm áp lực.
Làm đường cả trăm km mà không có trạm dừng nghỉ, không có trạm xăng cung cấp nhiên liệu cho phương tiện. Ở đây cho thấy, từ quy hoạch đến triển khai thực tế còn nhiều lúng túng, hạn chế.
Đã đến lúc vấn đề quy hoạch hạ tầng, đường sá phải có tư duy dài hơi; rồi nguồn lực đầu tư phải được khơi thông để thu hút nhiều nguồn lực tham gia. Đặc biệt là tập trung các điều kiện để làm theo kiểu” cuốn chiếu”, làm đến đâu xong đến đấy, tránh rải mành mành, không chỗ nào xong dứt điểm, trọn vẹn. Bên cạnh đó là việc chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực; kể cả nguồn vốn lẫn năng lực thi công, quản lý để vận hành và khai thác hiệu quả từng tuyến đường, công trình.
Công tác quản lý cũng phải theo sát và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đồng thời dẫn đường cho các yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.