Hiện đại hóa hệ thống phương tiện cấp cứu tai nạn giao thông

VOV.VN - Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có tới 51% nạn nhân tai nạn giao thông không được sơ cứu trước khi đến bệnh viện, chỉ có 10,5% nạn nhân được nhân viên y tế sơ cứu và chỉ có 1/3 nạn nhân được vận chuyển bằng xe cứu thương.

 

Số lượng xe cứu thương ít, mức độ bao phủ còn hạn chế, công tác sơ cứu và cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông chậm trễ, không kịp thời là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong, chấn thương nặng của nạn nhân tai nạn giao thông tăng cao? Vậy cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông?

Từng chứng kiến một vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe máy trên đường gom đại lộ Thăng Long, Hà Nội, anh Nguyễn Đức Tùng mặc dù rất muốn hỗ trợ nạn nhân bị chấn thương nặng vùng cổ, nhưng lại không dám thực hiện, vì lí do:

"Mình cũng nhiệt tình vào giúp đỡ thôi, nhưng do không biết về sơ cứu. Mình chỉ sợ làm nạn nhân bị ảnh hưởng thêm, ví dụ như trường hợp ngã như thế, mình bê lên sẽ ảnh hưởng. Thứ hai, sợ người thân, gia đình nghĩ mình liên qua".

Những trường hợp e ngại giúp đỡ nạn nhân các vụ tai nạn giao thông như anh Tùng không phải là hiếm bởi đa phần, người dân chưa có những kiến thức và kỹ năng về sơ cấp cứu nạn nhân.

Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về thực trạng cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện ở Hà Nội, thực hiện từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, có tới 60% trường hợp người chứng kiến không biết nạn nhân bị ngừng tuần hoàn và 33% người dân không biết làm hồi sức tim phổi.

Phát biểu tại hội thảo tổ chức tại Hà Nội mới đây, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Giảng viên cao cấp Bệnh viện Đại học Y cho biết, tỷ lệ nạn nhân được sơ cấp cứu tại hiện trường tai nạn đạt thấp: 

"Ở bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những người được sơ cứu bởi nhân viên y tế 10,5%, tự sơ cứu là 29% và không sơ cứu gì chiếm 51%. Phương tiện vận chuyển, xe cứu thương chỉ có 31%, ở Hà Nội như vậy rất là khó. Một nghiên cứu về cấp cứu ngoại viện ở Hà Nội, mô tả trên 239 trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện (ngừng tim), chỉ có 8% được hồi sinh tim phổi (ép tim) và chỉ có 20% được đưa vào bệnh viện bằng xe cứu thương".

Còn theo số liệu từ Bệnh viện Việt Đức, năm 2023 có khoảng 25-27 nghìn trường hợp bị tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện, chiếm 70% số trường tai nạn thương tích.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính, công tác tại Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương, Bệnh viện Việt Đức; Phó chủ nhiệm bộ môn y học cấp cứu ngoại viện, Trường đại học y dược, Đại học Quốc gia phân tích, điều quan trọng nhất là phải khơi thông đường thở cho nạn nhân và thời điểm vàng trong can thiệp y tế đối với những nạn nhân tai nạn giao thông bị ngừng tim là trong khoảng thời gian 6 phút. Nếu có sự hỗ trợ, can thiệp y tế sớm, kịp thời sẽ làm gia tăng cơ hội sống sót và giảm tỷ lệ chấn thương nặng, tổn thương não sau này.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, mạng lưới sơ cấp cứu ngoại viện của Việt Nam chưa phổ biến, hiện mới chỉ có khoảng 18 tỉnh thành có hệ thống cấp cứu y tế khẩn cấp chuyên dụng, đa phần là xe cứu thương và nhân viên y tế  cấp cứu cho nạn nhân đến từ các bệnh viện.

Ngay tại Hà Nội, mạng lưới cấp cứu mỏng, hiện Trung tâm cấp cứu 115 của Hà Nội đang có 14 trung tâm cấp cứu vệ tinh, nhiều nơi cách xa hiện trường, trang thiết bị trên xe cấp cứu đã cũ, hỏng chưa được nâng cấp nên thời gian tiếp cận các vụ tai nạn bị chậm, khó có thể đảm bảo giờ Vàng trong cấp cứu.

Để hạn chế những bất cập hiện nay trong công tác cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông, PGS.TS Nguyễn Đức Chính cho rằng, cần phải bám sát các quy định của Luật khám chữa bệnh mới để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp cứu ngoại viện cho tai nạn giao thông:

"Chúng ta nên đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp và đào tạo cấp chứng chỉ cấp cứu ngoại viện để hình thành đội ngũ chuyên nghiệp. Ngoài ra, cũng cần  đào tạo và mở rộng mạng lưới cấp cứu ban đầu cho cộng đồng, cộng tác viên, tình nguyện viên... Ví dụ tập huấn cho đội ngũ chiến sĩ cảnh sát giao thông và trang bị những phương tiện tối thiểu có thể người ta cấp cứu và hỗ trợ nạn nhân tại hiện trường".

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phòng chống chấn thương, Trường Đại học y tế Công cộng, cần hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc cấp cứu tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng.

Tổng đài 115 hiện nay mới đang thực điều phối đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất, mà chưa có sự liên hệ chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất để thực hiện phẫu thuật. Ngoài ra, tại một số địa phương không có Trung tâm cấp cứu nên tổng đài 115 không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Ông Cường đề xuất:

"Chúng ta cần thống nhất một hệ thống thông tin cứu trợ cấp cứu vào tổng đài 115 để điều phối thông tin cấp cứu. Đó chính là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, trong đó Tổ chức Y tế thế giới về việc điều phối thông tin tập trung cho hoạt động cấp cứu".

Ông Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia khẳng định,  huy động sự tham gia của cộng đồng người dân, những lái xe có mặt tại hiện trường để thực hiện công tác sơ cứu trong khi chờ đợi cấp cứu y tế chuyên nghiệp là cần thiết:

"Chúng ta nên có những chương trình giáo dục toàn dân những kiến thức cơ bản, nền tảng để hỗ trợ cho người bị thương do tai nạn giao thông. Khi nạn nhân bị chấn thương ở đâu, có cách xử lý thế nào? Ví dụ nếu bị gãy tay gãy chân không thể bê vác người ta được mà phải có một tấm ván để đặt lên, rồi mới chuyển viện. Có thể tập huấn, tuyên truyền trên internet để người ta có tri thức để cứu hộ cứu nạn".

Hiện nay, một số quốc gia trong khu vực có điều kiện kinh tế và giao thông tương đồng như Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cấp cứu ngoại viện hoạt động hiệu quả. Tại Thái Lan có Trung tâm điều phối 1669 và xây dựng mạng lưới tình nguyện viên được đào tạo các kỹ năng về sơ cứu trong cộng đồng.

Trong khi đó, tại Malaysia ngoài việc xây dựng số điện thoại dành riêng cho cấp cứu nạn nhân TNGT, còn đầu tư vào hiện đại hóa hệ thống xe cứu thương với nhiều thiết kế khác nhau. Năm 2022, Malaysia đã có xe cứu thương đầu tiên được trang bị mạng 5G giúp các bác sĩ có thể dễ dàng truyền tải dữ liệu về video siêu âm và hình ảnh thực tế của bệnh nhân cho các bác sĩ tại các bệnh viện trong quá trình di chuyển.

Nhờ đó, các bác sĩ có thể cung cấp, hướng dẫn chính xác và kịp thời cho các nhân viên y tế trên xe cứu thường. Điều này cải thiện tốc độ và hiệu quả của công tác chăm sóc y tế khẩn cấp, nâng cao khả năng cứu sống các nạn nhân TNGT.

Hiện nay, mới có hơn 10 địa phương trên cả nước có Trung tâm cấp cứu 115, trong khi đó, tại nhiều Trung tâm cấp cứu, nhân viên y tế phải làm việc rất vất vả, nhưng thu nhập và cơ hội nghề nghiệp không cao khiến nhiều người đã bỏ nghề. Trong khi đây là lực lượng nòng cốt để giúp công tác cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.

Do vậy, các cấp các ngành cần sớm hoàn thiện những chính sách quy định, công nhận chức danh nhân viên y tế ngoại viện để các nhân viên yên tâm làm việc.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: Nhân viên cấp cứu 115, cần sớm được công nhận chức danh

 

Trong năm 2023, cả nước xảy ra trên 14 nghìn vụ tai nạn giao thông, bình quân mỗi ngày có 38 vụ tai nạn làm 20 người chết và 29 người bị thương. Trong đó, tỷ lệ nạn nhân nguy kịch chiếm tới 7% và đa phần các nạn nhân không được sơ cứu trước khi đến bệnh viện.

Điều đáng nói, đa phần các nạn nhân tai nạn giao thông nằm trong độ tuổi lao động và là trụ cột thu nhập của nhiều gia đình. Nếu các nạn nhân tai nạn giao thông được cấp cứu kịp thời, không chỉ giúp giảm số người tử vong và bị thương nặng, mà còn giúp giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, tài chính cho các gia đình và xã hội.

Do vậy, Chính phủ, ngành y tế cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả của công tác cấp cứu các nạn nhân tai nạn giao thông.

Trước hết cần xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện hoàn chỉnh. Các địa phương cần tiến hành rà soát vị trí các cơ sở y tế, trung tâm y tế, xác định vị trí, thời gian di chuyển, năng lực để xây dựng bản sơ đồ mạng lưới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.

Việc thành lập Hệ thống điều phối thông tin cấp cứu trước viện, có sự kết nối liên thông với lực lượng cảnh sát giao thông và phòng cháy chữa cháy là điều cần thiết. Trung tâm này giữ vai trò nhận thông tin về các vụ tai nạn giao thông, thông báo cho các bên liên quan, các cộng tác viên, nhân viên y tế ở gần các vụ tai nạn giao thông đến thực hiện sơ cứu và điều phối các xe cứu thương chuyên nghiệp chở nạn nhân đến các bệnh viện đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, phòng mổ để thực hiện cấp cứu nạn nhân.

Để rút ngắn thời gian tiếp cận nạn nhân tại hiện trường, ngành y tế và các địa phương cần đầu tư hơn nữa về số lượng và chất lượng các xe cứu thương. Số liệu năm 2018 cho thấy, tỷ lệ xe cứu thương của Hà Nội mới đạt 0,24/ 100 nghìn dân, thấp hơn so với con số 2,5/ 100 nghìn dân của Campuchia và 2,9/100 nghìn dân của Đài Loan. Với số lượng dân cư khoảng 10 triệu dân, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Hà Nội cần có ít nhất từ 100-150 xe cứu thương.

Ngoài việc hiện đại hóa hệ thống điều phối thông tin, ngành y tế cũng xem xét ứng dụng các công nghệ thông tin và đầu tư thêm các trang thiết bị cấp cứu hiện đại trên xe cứu thương nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác cấp cứu cho nạn nhân ngay trên đường di chuyển đến bệnh viện.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường đào tạo đội ngũ nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp và đào tạo sơ cấp cứu cho cộng đồng, cán bộ chữ thập đỏ, tình nguyện viện, lực lượng cảnh sát giao thông.  Xây dựng mạng lưới cộng tác viên cộng đồng rộng khắp, có kiến thức về sơ cấp cứu để hỗ trợ cho nạn nhân.

Ngoài ra, đến nay, sau nhiều năm triển khai thực hiện, một số nội dung của Thông tư số 27 của Bộ Y tế năm 2017 quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương và Quy định 3385 ban hành năm 2012 về danh mục thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu… không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Bộ y tế cần sớm rà soát lại và cập nhật cho phù hợp với hiện nay.

Đặc biệt, ngành y tế cần sớm hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật theo Luật Khám chữa bệnh mới, trong đó cần sớm công nhận ngành, mã ngành, nghề cấp cứu ngoại viện, có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích để đảm bảo thu nhập, cơ hội nghề nghiệp cho các nhân viên y tế làm công việc này. Xây dựng nguồn nhân lực nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của công tác cấp cứu khẩn cấp.

Song song với đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức và nhận thức của người dân về sơ cứu. Điều quan trọng, bên cạnh những giải pháp quyết liệt về kéo giảm tai nạn giao thông của các cấp, các ngành, cần có sự chung tay của cả cộng đồng dân cư, tình nguyện viên trong việc hỗ trợ các nạn nhân tai nạn giao thông.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xe cấp cứu bốc cháy ở TP.HCM chưa được cấp phép vận chuyển
Xe cấp cứu bốc cháy ở TP.HCM chưa được cấp phép vận chuyển

VOV.VN - Liên quan đến một chiếc xe cấp cứu bị cháy ở bãi tại quận 10, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phối hợp xác minh tình trạng pháp lý và hoạt động của xe. Đáng nói, xe này chưa được cấp phép hoạt động.

Xe cấp cứu bốc cháy ở TP.HCM chưa được cấp phép vận chuyển

Xe cấp cứu bốc cháy ở TP.HCM chưa được cấp phép vận chuyển

VOV.VN - Liên quan đến một chiếc xe cấp cứu bị cháy ở bãi tại quận 10, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phối hợp xác minh tình trạng pháp lý và hoạt động của xe. Đáng nói, xe này chưa được cấp phép hoạt động.