Hiến tặng giác mạc – ánh sáng cho người mù
Hiện nay cả nước có khoảng 300.000 người mù vì hỏng giác mạc. Mỗi năm số này lại tăng thêm 15.000 người.
Tại Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đang có khoảng 600 người chờ để ghép giác mạc. Trung bình mỗi ngày, có ít nhất một bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc. Thế nhưng, mỗi năm chỉ có khoảng 100 đến 150 giác mạc được cung cấp để ghép.
Ghép giác mạc là thay thế giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc còn tốt của người hiến, giúp người bệnh nhìn tốt hơn.
Hiện tại, nguồn giác mạc ở Việt Nam chủ yếu theo ba đường: từ những người tình nguyện hiến tặng, từ chấn thương phải bỏ nhãn cầu nhưng giác mạc vẫn còn tốt và từ những tổ chức y tế nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng cũng rất hạn chế vì chi phí đắt, quá trình vận chuyển phải mất từ 10 – 12 ngày. Càng để lâu thì chất lượng giác mạc càng giảm và không có lợi cho sự phục hồi thị lực của người bệnh.
Giác mạc là thứ không thể sản xuất, chỉ có thể lấy được từ cơ thể người. Chính vì vậy, việc hiến tặng giác mạc cho những bệnh nhân không may bị hỏng giác mạc là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nó không chỉ đem lại ánh sáng cho đôi mắt mà còn đem lại ánh sáng cho cuộc đời của một con người.
Để tôn vinh những người có tấm lòng nhân ái, sáng 24/11, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND Huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) tổ chức “Lễ tôn vinh Gia đình người hiến tặng giác mạc”. Tại buổi lễ, đã trao tặng bằng khen, quà kỷ niệm cho thân nhân của 25 người hiến tặng giác mạc; vinh danh 8 cộng tác viên xuất sắc trong công tác tư vấn, tuyên truyền hiến tặng giác mạc.
Sống tốt đời, đẹp đạo
Năm 2007, Ngân hàng Mắt Trung ương tiếp nhận ca hiến giác mạc đầu tiên trên cả nước. Đó là cụ Nguyễn Thị Hoa (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).
Ông Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết – Giác mạc, Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương cho biết: “Ca lấy giác mạc đầu tiên rất căng thẳng, về cả phía gia đình người hiến lẫn các bác sĩ. Họ lúc đó không biết lấy giác mạc chỉ là một màng mỏng trên mắt. Họ cứ nghĩ là khoét cả mắt nên rất lo lắng”.
Bệnh viện Mắt tặng quà cho giáo xứ Phát Diệm |
Ông Mai Văn Vinh, con trai cụ Nguyễn Thị Hoa là người đầu tiên đồng ý cho mẹ mình tặng giác mạc kể: Lúc đó, trong gia đình ông cũng có rất nhiều người phản đối. Họ chưa có nhiều thông tin về việc hiến giác mạc. Thậm chí, có người nói bán. Nhưng với tâm niệm, làm việc thiện theo những lời Đức chúa chỉ dạy, có thể giúp cho nhiều người khác, cuối cùng ca lấy giác mạc đã thành công tốt đẹp. Sau đó, nhờ việc mở rộng công tác tuyên truyền, đến nay, cả dòng họ gia đình ông đã có gần chục người hiến giác mạc. Bản thân ông cũng đã đăng ký hiến tặng.
Sau trường hợp của cụ Hoa, hàng chục người khác đã noi gương cụ, dành lại một phần cơ thể mình để đem lại ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc cho những người khác. Đến nay, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc với số lượng hơn 5750 đơn đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, tổng cộng 93 người đã hiến tặng giác mạc.
Để có được kết quả này, đó là nhờ công tác tuyên truyền của Hội chữ thập đỏ Việt Nam cùng với Ngân hàng Mắt, các tổ chức xã hội và tôn giáo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc.
Ông Phạm Ngọc Sinh |
Ông Phạm Ngọc Sinh, Chủ tịch hội Chữ Thập đỏ huyện Kim Sơn cho biết: “Hiến tặng giác mạc là một việc mà không phải ai cũng có thể thực hiện được. Công tác tuyên truyền đóng một vai trò rất quan trọng. Người dân Việt Nam ta từ trước đến nay đều quan niệm nặng nề về chết toàn thây, kiếp luân hồi. Họ lo lắng, nếu lấy mất con mắt thì người đã khuất sẽ không thể nhìn được nữa”.
Tuy nhiên, ông Sinh cũng cho biết, sở dĩ Kim Sơn có thể có số người hiến giác mạc nhiều như vậy là do gặp được rất nhiều thuận lợi: sự ủng hộ tuyệt đối của các cấp chính quyền; có một đội ngũ các cộng tác viên không quản ngại ngày đêm tuyên truyền, liên lạc với BV Mắt Trung ương sau khi người hiến tặng qua đời, làm công tác bảo vệ giác mạc. Bên cạnh đó, là sự giúp đỡ nhiệt tình của các vị chức sắc, linh mục giáo xứ. Khoảng 80% người hiến tặng giác mạc là bà con giáo dân.
Ông Lê Đức Long, nguyên Chánh trương giáo xứ Pháp Diệm có vợ là một trong những người hiến tặng giác mạc, đồng thời cũng là cộng tác viên cho Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn, cho biết: “Chúng tôi, những người theo Đạo có quan điểm khác so với Phật giáo về cuộc sống sau cái chết. Con người được hình thành bởi xác và hồn. Lấy giác mạc, chỉ là thể xác. Hơn nữa, cho có phúc hơn là nhận. Chúng tôi làm việc thiện thì có thể chuộc lại những lỗi lầm mình đã mắc phải”.
Một trong số gia đình có người hiến tặng được tôn vinh trong dịp này là anh Hoàng Hữu Hoành, là bộ đội phục viên, người duy nhất không theo đạo giáo. Chị Tống Thị Quế, vợ của anh Hoành tâm sự: “Khi bị mắc bệnh thận làm huyết áp tăng cao, mắt của anh mờ đi, không nhìn rõ thứ gì. Lúc đó, mới thấu hiểu nỗi lòng của những người không may bị hỏng giác mạc và quyết tâm hiến tặng”.
Mẹ anh Hoành theo đạo Phật, với suy nghĩ “Trần sao, âm vậy” đã phản đối rất quyết liệt. Nhưng, người em trai hiện đang là trụ trì chùa Hòa Lạc (Hà Nam) lại là người đầu tiên ủng hộ quyết định của anh. Tất cả họ đều có suy nghĩ, làm việc thiện là không nề hà bản thân.
Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Tuy nhiên, chỉ được phép lấy giác mạc sau khi người đó đã qua đời.
Việc hiến tặng giác mạc hoàn toàn là việc tự nguyện và mang ý nghĩa đạo đức cao cả. Đó là một món quà vô giá giúp cho nhiều người mù khác thoát khỏi cảnh tăm tối, cực khổ./.