Hiểu biết nhưng vẫn vi phạm pháp luật về giao thông là do ý thức kém
VOV.VN - Sáng 24/12, Báo Tiền phong và trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức tọa đàm “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông”. Theo chuyên gia, trong nhiều vụ việc, người tham gia giao thông hiểu biết nhưng vẫn vi phạm pháp luật về giao thông là do ý thức kém.
Hiện nay, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM. Trong đó, có rất đông sinh viên của các trường đại học, cao đẳng tại TP tham gia giao thông hằng ngày, ở tất cả các khung giờ.
Thượng tá Lê Văn Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP.HCM cho biết, TP hiện có trên 10 triệu xe, trong đó khoảng 9 triệu xe mô tô và xe gắn máy hai bánh, chưa kể phương tiện của các địa phương khác đến TP, nên mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Với người tham gia giao thông, yếu tố tâm lý như đang bị căng thẳng vì lý do gì đó, sợ kẹt xe, sợ trễ giờ… dễ dẫn đến va chạm giao thông và tiếp tục dẫn đến thái độ xử lý không đúng mực, thậm chí vi phạm pháp luật.
Cho nên theo Thượng tá Hải, nguyên nhân các vụ ẩu đả, va chạm trong thời gian vừa qua không thể đánh đồng do áp lực kẹt xe, tắc đường mà xuất phát từ tâm lý, từ ý thức của người tham gia giao thông.
Đồng quan điểm này, Trung tá, TS. Lê Hoàng Việt Lâm - Giảng viên Đại học An ninh Nhân dân cho rằng, tình trạng xói mòn về văn hóa ứng xử trên đường do nhiều nguyên nhân. Ở đó, không phải do người tham gia giao thông không hiểu biết về pháp luật giao thông, mà nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành kém.
"Ý thức khi tham gia giao thông vẫn là điều quan trọng nhất. Giải quyết vấn đề gốc chính là vấn đề ý thức chứ không phải là phổ biến pháp luật vì phổ biến thì Cảnh sát giao thông và truyền thông đã làm khá tốt. Nhiều người tham gia giao thông chỉ nghĩ được yếu tố trước mắt là làm sao đi thật nhanh, đi trước người khác chứ không nghĩ được là có chuyện gì xảy ra thì mình là người chịu đầu tiên", TS. Lâm nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, nếu người tham gia giao thông có văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi sự cố xảy ra thì sẽ giảm đi rất nhiều các tình huống xung đột, thậm chí là tai nạn giao thông đáng tiếc trên đường.
Chuyên gia và nhà trường cũng khuyến cáo sinh viên rằng, nếu xảy ra va chạm, xung đột khi tham gia giao thông, hãy luôn nhớ rằng, hậu quả của cơn nóng giận bao giờ cũng nặng nề hơn nguyên nhân của nó. Từ đó, các bạn trẻ phải thật bình tĩnh, nhã nhặn để xử lý tình huống, chủ động xin lỗi để xoa dịu căng thẳng và cuối cùng là báo cơ quan chức năng nếu các bên không tự giải quyết được.