Hiệu quả của chính sách dân tộc
Chưa bao giờ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi dân tộc được Đảng, Nhà nước quan tâm như giai đoạn hiện nay
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ Giàng Seo Phử khẳng định: “… Hàng loạt chính sách mới được ban hành và thực thi trong cuộc sống. Các chương trình như 134, 135 và một loạt các chương trình khác nữa đầu tư cho vùng dân tộc có hiệu quả nhất và phù hợp với lòng dân nhất”.
Khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Theo thống kê, hiện nay, ở nước ta, trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có gần 200 chính sách đang được thực hiện, từ chăm lo các điều kiện phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng đến chăm sóc về đời sống dân sinh và tinh thần cho đồng bào. Những chính sách này không đơn thuần chỉ hỗ trợ đồng bào thoát nghèo mà còn trang bị cho họ những kiến thức trong phát triển kinh tế, tiếp cận với các dịch vụ dân sinh. Trong đó, nhiều chính sách đặc biệt mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững…
Từ những gia đình thuộc diện đói nghèo, nhờ được vay vốn phát triển kinh tế, đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ông Ha Brơng ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng phấn khởi nói: “Khi mình vào, khu vực này rất nghèo. Nhà ở không có, chỉ có 2 bàn tay trắng, ngày ngày kiếm củ mài để ăn. Bây giờ mình cảm ơn Đảng, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho bà con, từ giống cà phê, phân bón và các loại cây trồng khác. Đời sống của bà con đã được cải thiện khá nhiều”.
Có thể thấy, công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã đạt kết quả tốt. Hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi, phát thanh - truyền hình, trường học, trạm y tế... được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển đến tận vùng sâu, vùng xa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3 - 4%. Nhiều hộ gia đình đã biết tổ chức sản xuất, chăn nuôi, kết hợp các mô hình làm ăn kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Những đổi thay đó đã cho thấy rõ nét hiệu quả trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Hiệu quả của chính sách dân tộc còn được thể hiện ở việc tăng cường và củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc. Hiện nay, trong hệ thống chính trị từ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể và các lĩnh vực khác đều có sự tham gia của cán bộ là người dân tộc thiểu số. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, đã có 188 đại biểu là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách dân tộc gặp phải những khó khăn do đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu về số lượng, chưa đồng đều về chất lượng. Ông Tráng A Pao, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong thời gian tới.
“Điều quan trọng của vùng đồng bào dân tộc là đào tạo cán bộ. Cán bộ không những là người tiếp thu đường lối của Đảng mà còn hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân thực hiện. Nơi nào có đội ngũ cán bộ vững vàng, có trình độ thì nơi đó thực hiện đường lối tốt hơn, kinh tế phát triển hơn. Đào tạo cán bộ ở đây không chỉ là đào tạo cán bộ cơ sở mà cần phân cấp, đào tạo cho cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương nữa” - ông Tráng A Pao nhấn mạnh.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định về công tác dân tộc với một số chính sách như: Chính sách đầu tư phát triển bền vững, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa;... khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc và đoàn kết dân tộc. Những chính sách đó sẽ tiếp tục góp phần đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc./.