Hiệu quả việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn ở Kon Tum
VOV.VN - Huyện Sa Thầy là địa phương đầu tiên của tỉnh Kon Tum hoàn thành việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn và Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, theo tinh thần Nghị quyết 21, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Được “Dân tin, Đảng cử” năm nay là nhiệm kỳ thứ hai ông Đỗ Hiền Lương đảm nhận chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy. Để làm tròn vai trò Bí thư Chi bộ với 67 đảng viên và trưởng thôn ở địa bàn trung tâm huyện, có yêu cầu cao về phát triển cả nông nghiệp và thương mại dịch vụ, theo ông Lương, phải thật sự là người của Đảng, của dân, là trung tâm đoàn kết.
“Những công việc ở dưới cơ sở thì đa hình, đa dạng, không kể giờ giấc bất cứ lúc nào việc đến là phải giải quyết. Người dân tin tưởng bầu mình lên thì mình phải đáp lại lòng tin giải quyết thỏa đáng việc của dân không để trường hợp nào để xảy ra giữa hàng xóm với nhau rồi giữa thôn này với thôn khác. Từ khi tôi làm đến nay là chưa có một vấn đề gì cấp trên phê bình. Nói chung công việc giải quyết ổn thỏa”, ông Đỗ Hiền Lương nói.
Để thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn và Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, trong những năm qua Huyện ủy Sa Thầy chú trọng thực hiện tốt công tác lựa chọn nhân sự bảo đảm về trình độ, năng lực, phẩm chất, tác phong và uy tín. Nhờ vậy đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết ở các chi bộ, thôn, làng.
Bà Y Sâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Sa Thầy cho biết: “Việc đầu tiên phải xác định đó là việc lựa chọn nhân sự. Lựa chọn những người có uy tín, những người am hiểu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Dân phải tin, Đảng cử. Vùng khó khăn chỉ đạo cơ sở rà soát đối với cán bộ trẻ, thanh niên và đặc biệt là đối với các cháu đã học có bằng cấp. Thứ hai nữa là đối với các cháu mà đi bộ đội về để phát triển Đảng đào tạo nguồn ở cơ sở”.
Với quyết tâm hoàn thành chủ trương của Trung ương và của tỉnh, đến tháng 8/2023 trong 64 thôn, làng thuộc 11 xã, thị trấn của huyện Sa Thầy đã có 53 Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn và 11 Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn.
Thực tế cho thấy việc nhất thể hóa Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn đã giúp tinh gọn bộ máy, giảm được 64 chức danh bán chuyên trách ở thôn và công việc tập trung tại một đầu mối dễ cho việc triển khai, thực hiện.
Nhờ lựa chọn được những người có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, năng động, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với nhiệm vụ và có uy tín cao trong nhân dân nên đã phát huy được hiệu quả công tác.
Ông Phan Chí Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Ya Ly và ông Nguyễn Minh Thuận, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy khẳng định: "3 làng đồng bào dân tộc thiểu số thì đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm thôn trưởng là người tại chỗ, rất hiểu biết về bà con, tình hình kinh tế đặc điểm đời sống dân cư cho nên rất thuận tiện với vai của Bí thư Chi bộ là cho chủ trương và thứ hai là tổ chức thực thi vai của thôn trưởng. Rất thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đảng ủy cũng đã phấn đấu hoàn thành 100% công tác nhất thể hóa này. Thuận lợi là người vừa trực tiếp tiếp nhận, quán triệt kịp thời được chủ trương, chính sách của Đảng và người vừa trực tiếp cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện ở cộng đồng khu dân cư của mình. Thuận lợi thứ hai nữa thấy rằng qua công tác xây dựng Đảng thì cũng đã nâng cao và đổi mới được phương thức, vai trò lãnh đạo của Đảng đặc biệt là vai trò của đồng chí Bí thư ở cộng đồng khu dân cư”, ông Phan Chí Thiện nói.
Từ những kết quả ban đầu của việc thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn và Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Huyện ủy Sa Thầy đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đồng thời có sự điều chỉnh kịp thời để những người được “Dân tin, Đảng cử” thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Về lâu dài Huyện ủy Sa Thầy sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ ở thôn làng, đảng viên trong các chi bộ để lựa chọn nhân sự; coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và có chính sách đãi ngộ phù hợp để đội ngũ này yên tâm công tác.
Tính chung cả tỉnh Kon Tum, đã có 360 trên tổng số 756 thôn làng, tổ dân phố có Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận. Việc nhất thể hóa 2 chức danh góp phần tinh gọn đáng kể bộ máy cán bộ ở các thôn làng.