Hồ chứa cạn kiệt, hàng ngàn héc ta đất lúa chuyển sang cây trồng cạn
VOV.VN - Tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt tại tỉnh Bình Định. Dù mới đầu mùa nắng nhưng cả trăm hồ chứa nước nhỏ đã dần xuống mực nước chết.
Chủ động đối phó với hạn hán, chính quyền các địa phương ở tỉnh này khuyến cáo người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn; đồng thời đẩy mạnh khơi thông dòng chảy, đắp đập dẫn nước và đào giếng khoan lấy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Hồ chứa Hội Sơn, ở xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có dung tích 45 triệu mét khối nước. Đây là một trong những hồ chứa nước lớn nhất tại huyện Phù Cát, cung cấp nước tưới cho hơn 200 héc ta lúa ở các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hanh và Cát Minh. Thế nhưng, hiện nay mực nước trong hồ đã xuống mực nước chết nên địa phương phải tính toán, rà soát lại diện tích lúa vụ hè thu.
Tương tự, tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cũng đang đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Ngay từ đầu vụ, bà con nông dân chủ động rà soát, khoan giếng trên đồng để tận dụng nguồn nước ngầm tưới cho cây lúa.
Người dân ở vùng hạn đóng giếng khoan trên đồng tìm nước tưới cho lúa.
|
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn cho biết, 4 gia đình với khoảng hơn 1 mẫu ruộng góp tiền đóng thêm giếng khoan ngoài đồng để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho lúa: "Trước đây, hạn hán còn có nước công trình để cứu vãn những ruộng gần đây, còn những ruộng trong đập phải đóng giếng để lấy nước. Bây giờ, đóng giếng cứu vãn được hạt nước nào thì được".
Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn huyện có 18 hồ chứa lớn nhỏ, nhưng hiện lượng nước chỉ còn khoảng 35% tổng dung tích thiết kế. Ông Nguyễn Văn Hóa cho biết, một số hồ đã cạn như Hoài Sơn, Hoài Tân, địa phương chủ động rà soát, không gieo sạ hơn 2.900 héc ta lúa vụ hè và thu.
"Chủ trương của huyện là tăng cường rà soát, quy hoạch, chuyển đổi. Ngay từ đầu huyện cũng đã triển khai các chủ trương liên quan đến các chính sách. Để rồi bà con khi bỏ không thì được rà soát hỗ trợ cứu đói theo Nghị định 136 của Chính phủ. Với những diện tích chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định 52 của UBND tỉnh và chuyển đổi sản xuất từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa thì hưởng theo Quyết định 38 của UBND tỉnh Bình Định".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, lượng mưa trung bình năm ngoái và 4 tháng đầu năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm. Hiện, hơn 70 hồ chứa thủy lợi ở các huyện phía Bắc tỉnh như Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát đã cạn khô, xuống gần mực nước chết. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp các địa phương đang điều tiết nước tưới từ các hồ chứa nước lớn cho diện tích lúa vụ hè; khuyến khích người dân khoan giếng, đắp thêm đập lấy nước phục vụ tưới cho lúa vụ thu.
Nhiều hồ chứa cạn kiệt nước xuống thấp dưới mực nước chết. |
Một trong các trạm bơm dã chiến ở huyện Hoài Ân sẵn sàng chống hạn lúc cao điểm.
|
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, năm ngoái, địa phương đã bị thiệt hại nghiêm trọng vì hạn hán, dự báo năm nay còn khốc liệt hơn. UBND tỉnh Bình Định chủ động rà soát và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kiên quyết không sản xuất hơn 5.000 héc ta những chân ruộng thiếu nguồn nước tưới và chuyển đổi sang cây trồng cạn. Đồng thời vận động nông dân chuyển đổi hơn 4.300 héc ta đất sản xuất lúa sang trồng cây trồng cạn.
Ông Trần Châu cho biết: "Tỉnh cũng đã chỉ đạo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với huyện là phải khoanh vùng tưới chắc. Những vùng nào nước bấp bênh thì đều chuyển qua cây trồng cạn và đặc biệt những vùng nào không có nước thì bỏ đất trống. Làm như vậy để người dân đỡ đi tổn thất"./.