Hộ gia đình trồng rừng, phát triển lâm nghiệp ở Kon Tum chưa được hỗ trợ gạo
VOV.VN - Thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021- 2025, thế nhưng đến nay việc hỗ trợ gạo cho hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ ở tỉnh Kon Tum vẫn chưa thể thực hiện.
Đại biểu Ka Ba Thành, Bí thư Huyện uỷ Tu Mơ Rông tỏ ra bức xúc khi mà việc hỗ trợ gạo cho hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ, thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021- 2025, hiện tỉnh vẫn chưa thực hiện được: “Chế độ này giai đoạn 2021- 2025 bây giờ gần hết 2024 rồi thì khi nào mới thực hiện? Tôi đề nghị quan tâm chỉ đạo nội dung này để cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ đồng bào Kinh khó khăn có cơ hội được thụ hưởng chính sách và chính sách này đi vào cuộc sống”.
Năm 2024 diện tích hỗ trợ trồng rừng của tỉnh Kon Tum theo kế hoạch là hơn 2.100 héc- ta và nhu cầu hỗ trợ gạo cho hộ gia đình tham gia bảo vệ, trồng rừng là hơn 1.000 tấn gạo. Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, lý do chưa thực hiện được là những vướng mắc liên quan tới quy định tại Điều 22, Thông tư số 12 ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Vướng mắc ở đây là hiện nay chưa có quy định cụ thể để xác định mức hỗ trợ gạo theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế địa phương. Chưa có quy định về cơ quan thẩm định phê duyệt dự án cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng. Chưa có quy định cấp có thẩm quyền công bố giá gạo ở địa phương cấp tỉnh, cấp huyện và cơ quan công bố”.
Liên quan đến các vướng mắc vừa nêu, được biết tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản báo các các Bộ, Ngành Trung ương đề nghị hướng dẫn để tháo gỡ. Tuy nhiên đến nay các Bộ, Ngành Trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên tỉnh chưa thực hiện được chính sách hỗ trợ gạo cho hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ. Nhiều ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum cho rằng, việc chủ trương, chính sách có nhưng chậm đi vào cuộc sống đang ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội cũng như việc cải thiện đời sống của người dân.