Hỗ trợ người dân tại các khu phong toả ở TP.HCM, tránh chỗ thiếu nơi thừa
VOV.VN - Hiện TP.HCM có hàng ngàn con hẻm, chung cư, khu dân cư và cả xã, phường bị phong toả, cách ly y tế. Hàng trăm ngàn gia đình trong các khu này khó khăn về thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Để giải quyết vấn đề bày, chính quyền và đoàn thể các địa phương đã tổ chức đi chợ giùm, tặng thực phẩm, tặng bữa ăn nấu sẵn. Thêm vào đó là nhiều tổ chức, cá nhân cũng chung tay hỗ trợ cho người dân trong các khu phong toả bằng cách thông qua các tổ dân phố, khu phố hoặc trực tiếp đưa thực phẩm đến tận khu cách ly. Tuy nhiên, có một thưc tế đang xảy ra là tình trạng hỗ trợ có chỗ thừa, chỗ thiếu, giữa các quận trong thành phố và giữa phường này với phường kia, khu phong toả này với khu cách ly khác.
Hơn 40 ngày bị phong toả vì liên tục xuất hiện các ca mắc Covid, các hộ dân sống tại block A3 - chung cư Ehome , phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM lâm vào cảnh khó khăn về thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Ban đầu, lúc khu này mới bị phong toả thì có khá nhiều đoàn đến hỗ trợ. Dần dà, thời gian phong toả lâu quá, đợt này nối tiếp đợt kia, sự hỗ trợ giảm dần và các phần quà chủ yếu là thực phẩm khô như gạo, mì gói...
Các cư dân ở đây đã góp tiền lại thành quỹ mua rau xanh cho cả khu, nhưng mua cũng khó mà vận chuyển vào cũng cần rất nhiều thời gian. Anh Lâm Sơn Vinh - một cư dân ở đây cho biết, cách ly kéo dài nên cư dân cũng chủ động xoay sở nhưng tình hình rất khó khăn khi mà hàng tháng trời nhiều người không đi làm, không có nguồn thu nhập.
“Thỉnh thoảng có phường, mạnh thường quân cũng hỗ trợ gạo, mì gói… Chỉ toàn đồ khô thôi, còn đồ tươi phải tự xoay xở. Ở chung cư mình có quỹ rau xanh, các cư dân tự đóng góp, ai có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu để mua rau bỏ vào gian hàng 0 đồng. Hằng ngày sẽ phát cho mọi người, nói chung rau xanh không đến nỗi thiếu lắm. Còn thịt cá thì có thể nhờ người thân mua từ bên ngoài gửi vào. Với những người thuê nhà chắc sẽ hơi chật vật trong thời gian này”, anh Lâm Sơn Vinh chia sẻ
Trong những trường hợp khó khăn, chật vật ở các khu cách ly, khó nhất có lẽ là những người lao động tự do, xa quê. Bị phong toả cách ly từ ngày 9/7, nhiều hộ dân tại đường Nguyễn Ngọc Cung, phường 16, Quận 8 đang trong tình trạng thiếu thực phẩm. Chị Ngọc Như - một người dân sinh sống tại khu vực phong toả này cho biết, phường có hỗ trợ mỗi nhà 1 thùng mì gói, rau củ, 10 trứng gà, 10 bịch sữa tươi và không phải nhà nào cũng được và số thực phẩm hỗ trợ này chỉ đủ trong vài ngày. Cả khu dân cư chủ yếu là công nhân, lao động tự do, nhiều người già và trẻ em nên khó khăn chồng chất.
Chị Như phải đứng ra kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội: “Hỗ trợ nhà có, nhà không vì khi chúng tôi mở cửa thấy người cung cấp thực phẩm kéo qua. Nếu xin thì họ mới cho bởi khu vực này đông dân nên ưu tiên cho các hộ trong hẻm có nhiều hộ dân hơn. Nếu họ còn dư thì mình mới xin, họ sẽ đặt trước cửa nhà”.
Thế nhưng, không phải điểm phong tỏa nào cũng rơi vào tình trạng thiếu thực phẩm. Cụ thể, qua một tuần phong toả do có ca mắc Covid-19 nhưng hơn 40 hộ dân tại hẻm 86/36 đường số 14, phường 8, quận Gò Vấp liên tục nhận thực phẩm hỗ trợ như: gạo, rau củ, thịt, cá từ chính quyền. Rồi nhiều tổ chức, cá nhân tới tặng thêm mì gói, trứng, sữa nên có khi không dùng hết.
Anh Nguyễn Văn Toàn - người dân sinh sống ở khu dân cư này dí dỏm chia sẻ có những ngày đi nhận quà… mỏi cả chân. Với nguồn thực phẩm được hỗ trợ dồi dào, thậm chí phát 3 lần/ngày, anh Toàn và các hộ ở đây đã phải phơi các loại củ, quả để dùng dần, tránh lãng phí: “Từ hôm phong toả tới nay chúng tôi được phát 3 lần gạo, có ngày 3 lần rau và hôm qua cũng được cấp thêm đồ hộp, nói chung đồ ăn đều đầy đủ. Nhiều đồ gửi vào nhiều cũng lãng phí vì người dân dùng không hết như các loại rau, củ, quả”.
Trao đổi về hoạt động chăm lo, hỗ trợ người dân trong tình hình dịch bệnh, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM cho biết, hệ thống MTTQ thành phố đã yêu cầu các tổ chức thành viên triển khai rà soát những trường hợp người dân gặp khó khăn, thiếu nhu yếu phẩm trên địa bàn các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Khi có trường hợp khó khăn, địa phương sẽ chủ động lấy nguồn từ Quỹ người nghèo để hỗ trợ người dân một phần nhu yếu phẩm. Song song đó, người dân đang gặp khó khăn trên địa bàn thành phố cũng như tại các khu phong toả có thể chủ động liên hệ với MTTQ để được tiếp nhận và hỗ trợ
Bà Phan Kiều Thanh Hương nói: “Uỷ Ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã cung cấp số điện thoại của 22 đơn vị gồm TP.Thủ Đức và các quận, huyện cũng như đường dây nóng của hệ thống mặt trận để khi tiếp nhận thông tin cần nhu yếu phẩm thiết yếu sẽ có người trực nắm thông tin, xác minh cũng như cung cấp kịp thời cho người dân. Mỗi phần trị giá 300.000 đồng sẽ góp phần giải quyết khó khăn trước mắt của người dân trong giai đoạn hiện nay”.
Tính đến nay, TP.HCM có hơn 2.000 điểm phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, nhiều địa phương có hàng trăm điểm với hàng ngàn hộ dân. Việc chăm lo hỗ trợ cho người dân vùng phong tỏa vẫn còn mang tính tự phát, tùy năng lực của mỗi địa phương, nên xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, nơi cần không có, nơi có rồi lại có thêm. Chính người dân tại các điểm phong toả mong muốn sẽ có sự san sẻ để không một ai bị bỏ sót trong giai đoạn dịch bệnh này./.