Hỗ trợ nông dân - cần hiểu rõ về nông thôn
Chủ trương mua tạm trữ muối của Chính phủ được triển khai như một luồng gió mát đến với hàng vạn diêm dân cả nước. Niềm vui ấy sẽ trọn vẹn, nếu đơn vị được giao thu mua muối sâu sát và có phương cách làm tốt hơn.
Diêm dân Hợp tác xã Bạch Long, huyện Hải Hậu, Nam Định được Nhà nước mua 2.000 tấn muối với giá 850 đồng/kg. So với mức giá bán cho tư thương từ 600 đến 650 đồng/kg, thì người làm muối phần nào sẻ bớt khó khăn.
Thế nhưng, khi chủ trương vừa đến địa phương, thì không biết từ đâu tư thương đã “được” bán ngay 1.000 tấn. Diêm dân cũng biết, nhưng vì thông tin không đầy đủ nên chậm chân hơn, và đã xảy ra chuyện tranh bán. Thế là đơn vị mua muối đành phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Nhờ đó 1.000 tấn muối còn lại, diêm dân được bán với giá 850 đồng/kg. Còn 1.000 tấn muối bán trước đó, họ không được hưởng lợi.
Qua câu chuyện mua tạm trữ muối ở Nam Định cho thấy, chủ trương nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân rất đúng đắn, hợp lòng dân. Nhưng từ chủ trương đến hành động bao giờ cũng có khoảng cách. Khoảng cách ấy xa hay gần là do công tác triển khai thực hiện.
Cũng như chủ trương hỗ trợ lãi suất để kích cầu khu vực nông thôn; tín dụng cho nông dân, hay chủ trương hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân… trên thực tế đều có ít nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là, khi triển khai, có nhiều quy định máy móc; thông tin không đầy đủ; đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ thiếu sâu sát và thiếu sự hiểu biết về nông thôn - mà câu chuyện mua muối cho diêm dân ở Nam Định vừa qua là một ví dụ./.