"Hố tử thần" và những tắc trách trong quản lý đường xá

Hàng chục sự cố sụt lún liên tiếp xảy ra trên các tuyến đường tại TP HCM đang trở thành nỗi lo sợ của người dân khi tham gia giao thông. Đâu là giải pháp cho tình trạng này?

>> Kiểm tra, cảnh báo các vị trí lún sụt tại TP.HCM / Huyện Ba Vì: Xuất hiện những “hố đen” bí ẩn
Sở Giao thông - Vận tải TP HCM chính thức xác nhận, chỉ trong 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn thành phố có khoảng 30 vụ sụt, lún nền đường tạo thành những miệng hố sâu, gây nguy hiểm trực tiếp cho người đi đường. Các vụ sụt lún này được các đơn vị trực thuộc Sở phát hiện hoặc do người đi đường báo. Qua kiểm tra, 30% số vụ là do thi công kém chất lượng và 70% còn lại do ảnh hưởng từ các công trình khác như cấp nước, chống ngập, ngầm hóa cáp điện nhưng khi tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng…

Chế tài còn nhẹ

Các hố sâu này được gọi là "hố tử thần" không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường mà còn là mối lo đối với người dân sinh sống tại đây.

Anh Nguyễn Quốc Kiên, một người dân tại khu vực ngã tư Nguyễn Phi Khanh – Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quận 1 phản ánh: “Chỗ này đã thi công hơn 1 tháng rồi nhưng đơn vị thi công rất ẩu và dơ bẩn, để vật liệu bừa bãi mà không thu dọn. Khi tái lập mặt bằng thì dối trá, lấy cát trộn với đất”.

Riêng sự cố sụt lún nền đường gần đây xuất hiện nhiều tại những công trình của dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc– Thị Nghè. Dù đã hoàn thành trên 90% tiến độ thực hiện nhưng dự án nổi tiếng về tốc độ “rùa” đang tiếp tục được nhắc đến với nhiều sự cố sụt lún. Mặc dù các đơn vị tư vấn giám sát các công trình này đã tiến hành kiểm tra đánh giá các hạng mục công trình của nhà thầu và đã phát hiện không ít sai phạm. Tuy nhiên, các chế tài, xử phạt mà các đơn vị tư vấn giám sát áp dụng cho các nhà thầu dường như chưa đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Viết Thanh, đại diện đơn vị tư vấn giám sát dự án lưu vực kênh Nhiêu Lộc– Thị Nghè cho biết:  “Tư vấn giám sát đã có rất nhiều văn bản yêu cầu nhà thầu thực hiện việc tái lập mặt bằng đảm bảo an toàn cho người dân. Chúng tôi cũng đã báo cáo Sở Giao thông- Vận tải áp dụng các biện pháp chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu là Tổng công ty xây dựng Hà Nội và tịch thu bảo lãnh hợp đồng”. 

Phải qui trách nhiệm đến cùng

Trước tình trạng đường sá sụt lún liên tục, người dân thành phố bức xúc,  nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã đi thị sát tình hình. Qua 10 điểm mà các đại biểu kiểm tra thì có đến 8 vị trí vi phạm về thời gian thi công, tái lập tạm mặt đường không đảm bảo an toàn, gây sạt sở nền đường…

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP HCM nói: “Trách nhiệm cuối cùng thuộc về những người đứng đầu thành phố. Bởi để xảy ra tai nạn, thiệt hại tính mạng người dân thì lập tức phải quy ra ngay cơ quan quản lý cấp dưới. Sau khi đã chịu trách nhiệm rồi thì phải tìm nguyên nhân khắc phục, kiểm điểm”.

Nhiều ý kiến cho rằng, các sự cố sụt, lún là do sự thiếu trách nhiệm từ nhà thầu đến các Sở, ban ngành liên quan và thiếu cơ chế chế tài xử phạt hợp lý đối với những đơn vị thi công. Để đảm an toàn giao thông cho người dân, Ban An toàn giao thông thành phố và Đoàn kiểm tra liên ngành 14 tổ chức nhiều đợt kiểm tra các vị trí thi công có dấu hiệu nguy hiểm và yêu cầu những nhà thầu phải có trách nhiệm khắc phục ngay hậu quả để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như thời gian qua.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM cho biết: “Ban An toàn giao thông thành phố đã kiểm tra và cảnh báo các đơn vị liên quan, đặc biệt là các chủ đầu tư, các đơn vị thi công trên địa bàn cần phải tăng cường kiểm tra giám sát theo dõi xử lý kịp thời những trường hợp này. Tuy nhiên, một số đơn vị còn chậm thực hiện. Đến khi xảy ra tai nạn giao thông, chết người, lúc đó mới đi khắc phục hậu quả thì đã muộn”.

Trong cuộc họp của Uỷ ban Nhân dân TP HCM diễn ra chiều 28/10, lãnh đạo TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan là: Sở Giao thông - Vận tải, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, Trung tâm chống ngập nước, Ban quản lý Nâng cấp đô thị, Tổng Công ty Điện lực thành phố và Công ty điện thọai Đông thành phố phải chấn chỉnh, xử lý ngay các vụ sụt lún do các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình gây ra trong thời gian qua. TP HCM cũng sẽ tiến hành kiểm điểm các nhà thầu, đơn vị giám sát có liên quan, đồng thời xử lý kiến quyết các đơn vị đã để xảy ra sự cố./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên