Họa sĩ Lê Lam và chuyện chưa kể về Cách mạng Tháng 8
Nếu họa sĩ Lê Lam không kể câu chuyện này, có lẽ nhiều người không thể biết ở Đông Anh (Hà Nội) đã có một cuộc khởi nghĩa oai hùng đến thế…
Gặp họa sĩ Lê Lam vào một buổi sáng mùa hè oi ả tại căn phòng trong cùng của tầng 3 một khu tập thể, điều tôi bất ngờ là ông trông trẻ hơn tuổi “ngoại bát tuần” của mình rất nhiều. Da dẻ ông rất hồng hào, nhất là đôi mắt nhanh nhẹn ẩn hiện sau cặp kính và cách ông nói chuyện rất cởi mở, dễ gần.
Họa sĩ Lê Lam hồi tưởng thời kì hào hùng của quê hương |
Cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền vào tháng 8 ở huyện Đông Anh (quê họa sĩ Lê Lam) đã tiêu diệt gọn được một đồn Nhật gồm có 11 lính Nhật.
Đông Anh là mảnh đất có cơ sở quần chúng rất tốt. Tại đây, có các tổ chức như: thanh niên cứu quốc, phụ lão cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, và các tổ chức đoàn thể quần chúng. Sau này có tổ chức thiếu niên tiền phong do họa sĩ Lê Lam làm đội trưởng. Đội viên trong tổ chức lấy các tên như Oai, Phong, Lẫm, Liệt, Phùng… trong đó Lẫm chính là ông.
Lúc chuẩn bị khởi nghĩa sông Hồng đang mùa nước lớn, việc đi lại rất khó khăn. Ngày 19/8/1945, cách mạng nổ ra và thành công ở Hà Nội. Các tin tức về cách mạng ở Hà Nội truyền sang bên này sông bởi các đảng viên lái đò. Các đồng chí lãnh đạo huyện Đông Anh ra lệnh chuẩn bị sẵn sàng kháng chiến giành chính quyền. Không khí chuẩn bị rất tích cực, nhân dân phấn khởi và quyết tâm giành độc lập ở quê hương mình.
Sáng tinh mơ ngày 21/8/1945, tất cả mọi người từ già trẻ, gái trai đều ra đường. Đội trưởng đội thiếu niên tiền phong-cậu bé Lam, được giao cho một lưỡi lê. Thanh niên mặc quần dài chẽn gấu gọn gàng, đầu đội mũ hoặc khăn, đeo thắt lưng bao. Người có dao, người có mã tấu, người tay thước, xếp thành hàng ngũ nghiêm chỉnh, đi đều bước.
Một lá cờ đỏ sao vàng to chừng nửa chiếc chiếu, cán tre, bay phấp phới, dẫn đầu đoàn quân. Vừa đi, đoàn người vừa hô to: “Việt Nam độc lập muôn năm”; “Đả đảo phát xít Nhật”.
Đoàn người đi theo bờ đê sông Hồng, càng lúc càng đông. Tuy thế nhưng vẫn rất trật tự, không ồn ào, lộn xộn. Một nhóm khoảng 4-5 người vác một khẩu đại liên Hotkiss do ta cướp được trong cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9/3. Khẩu súng mới tinh còn nguyên màu đen thỉnh thoảng được bắn lên vài phát “tằng… tằng… tằng” lấy tinh thần cho nhân dân và ra uy với quân địch.
Đến huyện, ông Vũ Văn Mẫu (lúc này là huyện trưởng) mở cửa huyện đón quân ta vào và bàn giao lại tất cả cơ quan huyện.
Mọi người kéo vào đánh đồn Nhật đóng ở ga Đông Anh, cách đó khoảng 300m. Vào tới nơi, 4-5 đồng chí lãnh đạo của ta yêu cầu chỉ huy Nhật ra điều đình. Một lát sau, nói chuyện xong, các đồng chí đi ra ngoài. Khi đi ra đến cửa, bọn Nhật bất ngờ xả súng vào quân ta. Các đồng chí lãnh đạo chỉ huy nhân dân đánh lại địch. Cuộc đấu súng giữa ta và địch giằng co tới 1-2h chiều mà vẫn không phân thắng bại.
Bỗng, trong đoàn người của ta có người hô to “Đốt”. Thấy ý kiến đó rất hay nên các vị lãnh đạo huy động tất cả anh em ra các xóm xung quanh lấy rơm bó lại, đốt và ném vào đồn Nhật. Đồn Nhật ngập trong khói. Ban đầu còn thấy địch bắn ra, sau thưa dần rồi ngừng hẳn.
Quân ta hô to “Tiến vào” rồi đạp cửa xông tới. Người mã tấu, người giáo, người mác gặp lính Nhật là xông tới, 11 lính Nhật bỏ mạng. Mọi người hô vang “Thắng lợi rồi”.
Ngay đêm hôm đó, chính quyền cách mạng được thành lập. Người được cử làm Chủ tịch huyện Đông Anh là đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh. Bộ máy lãnh đạo huyện còn có đồng chí Lê Đình Thiệp, đồng chí Trần Cư và 2 đồng chí phụ nữ là đồng chí Ngân và đồng chí Điệp.
Nếu họa sĩ Lê Lam không kể câu chuyện này, có lẽ ít người biết có một cuộc khởi nghĩa oai hùng đến thế ở Đông Anh./.