“Hóa thạch” để tái sinh di sản Hà Nội

“Mọi người hãy suy nghĩ về những đổi thay, về sự biến mất của những dấu vết văn hóa vật chất trong dòng chảy đô thị hóa”  

“Những cái hóa thạch thì mãi trường tồn!”. Với suy nghĩ như vậy, họa sĩ Vương Văn Thạo đã mày mò tìm cách “hóa thạch” các di sản của Thăng Long - Hà Nội. Với sự sáng tạo độc đáo và có giá trị thẩm mỹ cao, các tác phẩm trong dự án “Hóa thạch sống” của họa sĩ Vương Văn Thạo được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội năm 2011.

“Vĩnh cửu hóa” hồn phố

Dự án “hóa thạch sống” được Vương Văn Thạo bắt đầu từ năm 2004. Đến năm 2007, anh đã “hóa thạch” được 36 ngôi nhà cổ, đại diện cho 36 phố phường Hà Nội. Cầu Long Biên - một trong những biểu tượng tiêu biểu của Thủ đô cũng được Vương Văn Thạo “hóa thạch” và tác phẩm này đã được trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2009.

Họa sĩ Vương Văn Thạo được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội

Tháng 5 vừa qua, anh làm tiếp hóa thạch 36 cổng làng, đình, ngõ thuộc Hà Nội, gần là các cổng làng, ngõ dọc phố Thụy Khuê ven hồ Tây, xa là ở các vùng Nghĩa Đô, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông...

Cách “hóa thạch” của họa sĩ Vương Văn Thạo rất công phu: Sau khi đi khảo sát, chụp ảnh, anh đắp mô hình ngôi nhà, cổng làng... bằng đất, làm khuôn silicon rồi sau đó đổ trùm composite trong suốt lên, tạo một khối "hóa thạch" những ngôi nhà cổ, cổng làng cổ với hai màu chủ đạo vàng, đỏ tuyệt đẹp và đầy cảm xúc. Bên cạnh những ngôi nhà là các cột điện cũng được “hoá thạch”, gắn biển báo tên phố hoặc đánh số nhà. Trong khối đó, Vương Văn Thạo khéo léo đổ hóa chất nhằm tạo ra những vết nứt, vết rạn, biểu thị những xung đột trong quá trình đô thị hóa.

“Điều quan trọng nhất tôi muốn khi mọi người đứng trước tác phẩm của tôi là hãy suy nghĩ về những đổi thay, về sự biến mất của những dấu vết văn hóa vật chất trong dòng chảy đô thị hóa. Qua đó hãy cùng tôi nhìn nhận về quá khứ và nghĩ tới tương lai, để chúng ta cùng trả lời một câu hỏi chung: con người có thể tái sinh sự sống cho di sản hay không?”- Họa sĩ Vương Văn Thạo chia sẻ.

Vương Văn Thạo lặng lẽ lựa chọn lối đi riêng biệt giữa thế giới nghệ thuật đương đại nhiều ồn ào ở đô thị hiện nay, thể hiện được cái nhìn sâu sắc về di sản Hà Nội xưa, đã “vĩnh cửu hóa” được hồn phố, hồn người, nhằm làm sống lại di sản Thủ đô đến muôn đời sau.

Mùa thu năm 2011, Vương Văn Thạo được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Họa sĩ cho biết, anh rất hạnh phúc vì được trao giải thưởng có uy tín này. Anh muốn tái sinh di sản văn hóa của Thủ đô thông qua cách nhìn nghệ thuật riêng của mình.

“36 viên kim cương” trong lòng bảo tàng phố cổ

Hiện nay, họa sĩ Vương Văn Thạo đã sáng tạo được hơn 300 tác phẩm là các điểm văn hóa tiêu biểu của Hà Nội. Anh muốn tác phẩm của anh được triển lãm ở nhiều nơi, để từ đó tăng thêm trách nhiệm cộng đồng đối với việc gìn giữ vốn di sản cổ xưa của Hà Nội.

Thời gian tới, Vương Văn Thạo dự định sẽ chọn đại diện 36 ngôi nhà trong phố cổ rồi bọc composite trong suốt. Họa sĩ dự định tiếp tục “hóa thạch” rất nhiều thứ khác nữa trong muôn màu cuộc sống của Hà Nội - mà theo anh, sẽ sớm vĩnh viễn biến mất trong dòng chảy của đô thị hóa, công nghiệp hóa, cần phải được bảo tồn để bù đắp phần thiếu hụt trong đời sống tinh thần của con người đô thị.      

Bộ tác phẩm “hóa thạch sống” của Vương Văn Thạo đã lọt vào Top 10 cuộc thi APB Foundation Signature Art Prize 2008 sau khi vượt qua 34 tác phẩm khác do Bảo tàng Mỹ thuật Singapore (SAM) tổ chức. Hiện nay, bộ tác phẩm này thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Singapore và được bảo tàng danh tiếng này tổ chức triển lãm định kỳ hằng năm để giới thiệu với công chúng nước này và du khách thế giới về một cách nhìn, lối thể hiện, và hơn cả là tình yêu thiết tha của một họa sĩ trẻ dành cho quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội./.

Vương Văn Thạo sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cả ông nội và ông ngoại anh đều có năng khiếu về xây dựng và kiến trúc. Toàn bộ trang trí của chùa Hưng Ký (được xây dựng vào năm 1932 trên địa phận làng Hoàng Mai thuộc thôn Đoài, nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội) là do ông nội của Vương Văn Thạo đắp.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật, Thạo chuyên làm sắp đặt và vẽ tranh giấy dó. Năm 2001, triển lãm sắp đặt đầu tay của Thạo là “Đất và nước” đã đoạt giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Sau khi manh nha ý tưởng “hóa thạch sống”, Vương Văn Thạo cần mẫn sáng tác giấy dó, bán lấy tiền mua hóa chất nhằm thực hiện ý tưởng của mình. Trung bình một ngôi nhà với “diện tích” đã được “hóa thạch” 30cm x 30cm x 16cm tiêu tốn của Vương Văn Thạo khoảng trên 5 triệu đồng, đó là chưa kể có rất nhiều tác phẩm “hóa thạch” bị hỏng, phải làm lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên