Hoãn tổ chức thi IELTS: Thí sinh nên làm gì khi cần nộp chứng chỉ để du học?
VOV.VN - Việc Hội đồng Anh và IDP thông báo tạm hoãn tổ chức thi IELTS tại Việt Nam khiến nhiều thí sinh như "ngồi trên đống lửa" vì đã đến hạn nộp hồ sơ du học.
Nhiều thí sinh cho biết, chứng chỉ IELTS là một trong những điều kiện quan trọng để nộp hồ sơ du học/ giành học bổng từ các trường đại học trên thế giới.
Đăng ký thi IELTS tại Hội đồng Anh vào cuối tháng 10 để kịp hoàn thiện hồ sơ xin học bổng du học, Trần Hà (học sinh lớp 11 tại Hà Nội) bất ngờ nhận được tin hoãn tất cả kỳ thi IELTS tại Việt Nam. Điều này khiến kế hoạch và mục tiêu Hà đặt ra bị xáo trộn.
"Theo yêu cầu của hội đồng học bổng, em phải có IELTS trên 6.5 thì mới có cơ hội được xét duyệt. Em đăng ký thi từ 2 tháng trước và ôn luyện rất kỹ càng để có thể hoàn thành tốt bài thi. Giờ lịch thi bị hoãn em không biết phải xoay xở thế nào", Hà nói.
Là người nhiều năm kinh nghiệm trong mảng tư vấn du học, chị Đoàn Thị Minh Phượng - Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ, Nhà sáng lập và điều hành Tổ chức Giáo dục APUS (APUS Admissions Counseling and Career Mentoring) khuyên thí sinh cần thật sự bình tĩnh và tìm hiểu kỹ lại những yêu cầu của các trường đại học về chứng chỉ tiếng Anh.
Thí sinh có thể chuyển qua ôn tập và thi TOEFL hoặc Duolingo. Đây là 2 kỳ thi kiểm tra khả năng ngôn ngữ phổ biến khác thay thế cho IELTS khi nộp hồ sơ vào đại học Mỹ.
Việc sử dụng điểm các bài thi chuẩn hóa khác như SAT, ACT, APs hoặc đạt được điểm số cao ở một số môn học giúp chứng minh khả năng tiếng Anh trôi chảy cũng có thể giúp thí sinh được miễn điểm IELTS, TOEFL hoặc Duolingo. Để chắc chắn, thí sinh nên kiểm tra lại với từng trường dự nộp để biết trường có chính sách này hay không.
Nếu thí sinh đến từ các quốc gia nói tiếng Anh hoặc có thời gian học trong môi trường thuần túy sử dụng tiếng Anh khoảng từ 2-3 năm có thể được một số trường cân nhắc miễn IELTS (hoặc các kỳ thi tương đương). Thí sinh cần trao đổi với bộ phận tuyển sinh trường mình dự nộp để nhận chỉ dẫn về việc này.
"Hiện, nhiều trường đại học có những chính sách để thí sinh không cần nộp chứng chỉ IELTS, có thể lấy ví dụ như trường Đại học Northeastern (Mỹ)", chị Phượng nói.
Ngoài ra, thí sinh có thể cân nhắc nộp vào các trường không yêu cầu các chứng chỉ tiếng Anh. Thông thường những trường này sẽ đưa ra phương án thay thế để đánh giá trình độ tiếng Anh của thí sinh. Họ có thể yêu cầu thí sinh trước khi nhập học chính thức phải học một số lớp tiếng Anh rồi thi bài thi sát hạch tiếng Anh của trường hoặc căn cứ vào điểm số của lớp học tiếng Anh đó để cho phép thí sinh của thể chính thức nhập học hay không.
"Cuối cùng, thí sinh có thể tham khảo việc đăng ký thi IELTS ở các quốc gia vẫn tổ chức kỳ thi này trong lúc chờ quyết định tiếp theo từ Hội đồng Anh hoặc IDP", chị Phượng gợi ý.
Đồng quan điểm, chị Đinh Thị Thanh Hoa - người sáng lập Scholarship for Vietnamese students, với 10 năm kinh nghiệm xin học bổng, hướng dẫn du học cho biết, thí sinh có thể nộp thay thế bằng các chứng chỉ tiếng Anh khác hoặc đổi địa điểm thi.
Ngoài ra, thí sinh có thể liên hệ với các trường để trình bày về lý do chưa có bằng IELTS. Thông thường các trường đều có thư nhập học có điều kiện và thư nhập học vô điều kiện (Unconditional offer và conditional offer). Thí sinh có thể xin thư nhập học có điều kiện từ trường để bổ sung bằng IELTS sau. Hầu hết các trường đều rất linh động trong vấn đề này.
Bà Jasmine Hiền Huỳnh - Giám đốc chi nhánh Mana Immigration tại Việt Nam chia sẻ, tiếng Anh là yếu tố bắt buộc khi đi du học một đất nước sử dụng ngôn ngữ này, vậy nên, thí sinh cần có sự chủ động hơn trong việc chuẩn bị những chứng chỉ liên quan đến tiếng Anh.
Nếu có ý định đi du học, xin học bổng, thí sinh không nên để "nước đến chân mới nhảy". "IELTS có thời hạn 2 năm nên bạn có thể thi sớm để tránh rơi vào trường hợp tương tự", bà Jasmine Hiền Huỳnh nói.
Hội đồng Anh, IDP và nhiều đơn vị tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mới đây thông báo tạm dừng để hoàn tất hồ sơ theo quy định ở Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Ngày 12/11, Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Quản lý chất lượng sẽ ưu tiên tập trung xử lý, nhanh chóng phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ (đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL) trong một vài ngày tới./.