Hoang tàn biệt thự cổ đẹp nhất Đông Nam Bộ Việt Nam
Biệt thự cổ xây theo kiến trúc phương Tây, nằm vị trí đắc địa theo thuyết phong thủy phương Đông, đẹp nhất Đông Nam Bộ - được dân Biên Hòa gọi là "nhà lầu ông Phủ".
Tòa biệt thự của quan đốc phủ sứ tỉnh Biên Hòa Võ Hà Thanh( 1876- 1947) hiện tọa lạc tại đường Võ Thị Tám, tổ 29, KP5, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Dân Biên Hòa xưa hay gọi là " nhà lầu ông Phủ", được xem là tư gia lớn nhất, đẹp nhất thời bấy giờ.
Nơi lưu dấu của một dòng họ nức tiếng
Tòa nhà khởi công xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924, có cấu trúc tương tự tòa bố hành chính Biên Hòa (cơ quan làm việc của chế độ thuộc địa Pháp). Tòa nhà xây theo kiểu kiến trúc phương Tây, nhưng lại nằm vị trí đắc địa theo thuyết phong thủy phương Đông: mặt tiền nhìn ra sông Đồng Nai, mặt hậu dựa lưng vào dãy núi Bình Điện (núi Bửu Long). Toàn bộ trang trí nội thất đặt mua từ Pháp chở về bằng tàu biển. Nhưng vật liệu xây dựng lại được tận dụng từ nguồn có sẳn ở địa phương như: nền và tường ốp trang trí hoa văn bằng đá Bửu Long, lợp ngói và lát gạch của làng gốm Tân Vạn, lò gốm Hóa An.
Nhà lầu ông Phủ có mặt tiền hướng ra sông Đồng Nai. |
Theo tư liệu thì ông Võ Hà Thanh nguyên quán tỉnh Quãng Ngãi, xuất thân từ một gia đình nghèo theo gia đình di cư vào Đồng Nai. Sinh thời, ông làm đủ mọi nghề để mưu sinh: mở hầm khai thác đá, lập đồn điền cao su… và dần dần tích cóp của cải, đất đai, trở thành một chủ đồn điền giàu nức tiếng của miền Đông Nam Bộ.
Sau đó, chính quyền thuộc địa ban chức đốc phủ sứ, cai quản toàn tỉnh Biên Hòa. Qúa trình cống hiến của ông được chính phủ Pháp ghi nhận bằng tặng thưởng tấm huân chương Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng danh giá.
Theo lời kể một cụ lớn tuổi sống ở Bửu Long hiện giờ thì vào năm 1952, Biên Hòa bị ngập nặng bởi trận "lụt Nhâm Thìn", gần 100 người dân sống quanh chợ Bửu Long phải chạy lên tầng 2 của tòa nhà sống tạm vài ngày, chờ nước lụt rút bớt.
Trải qua thời gian, tòa nhà có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. |
Qua câu chuyện mở rộng cửa ngôi biệt thự của nhà quan cho dân nghèo tạm lánh nạn, mới thấy tấm lòng độ lượng, thương người của ông Võ Hà Thuật (1901- 1969), một trong những người con của cụ đốc phủ Võ Hà Thanh, thế hệ thứ hai thừa hưởng ngôi biệt phủ.
Sau năm 1975, phần lớn con cháu dòng họ Võ Hà đi định cư nước ngoài. “Nhà lầu ông Phủ” được chính quyền cách mạng tận dụng làm....nhà trẻ rồi vài năm sau mới bàn giao quyền quản lý và sử dụng lại cho một người cháu ruột của cụ Võ đốc phủ đi tập kết ra miền Bắc từ năm 1954 trở về.
Tòa biệt thự cổ nổi tiếng nhờ...phim ảnh
Năm 1996, đạo diễn Lê Cung Bắc đã "mượn" tòa biệt thự để làm bối cảnh cho bộ phim truyền hình "Người đẹp Tây Đô" (cảnh nhà bá hộ bên chồng của nhân vật Bạch Cúc). Năm 2011, đạo diễn Lê Bảo Trung cũng quay vài phân cảnh ở tòa nhà này cho bộ phim hài kinh dị chiếu rạp "Bóng ma học đường”.
Hiện tại, cụ Tư Bưởi (tên Võ Minh Cảnh, 90 tuổi) là cháu nội của cố đốc phủ Võ Hà Thanh, đang quản lý và sử dụng trực tiếp biệt thự cổ. Trải qua biến cố của thời cuộc và dưới tác động của tự nhiên, xã hội nên "nhà lầu ông Phủ" hiện đang dần trở nên hoang tàn và có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.
Tầng 1 hoang tàn và trở thành kho cất đồ linh tinh. |
Bên ngoài, từng mảng tường bị bong tróc, xuống màu. Bên trong thì một số cánh cửa gỗ đã bị mót mọt đục rệu rã. Ngoài tầng 2 làm nơi thờ phụng tổ tiên dòng họ Võ Hà thì toàn bộ diện tích tầng trệt “biến” thành cái "kho" bề bộn chứa hàng điện lạnh cũ.
Khách tham quan ghé thăm biệt thự khi nhìn khung cảnh hoang vắng của tòa nhà ẩn mình trong khu vườn cây cối rậm rạp, chép miệng tiếc rẻ cho một công trình kiến trúc độc đáo của tiền nhân. Cũng bởi hậu duệ Võ Hà vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan không có kế hoạch trùng tu, gìn giữ và phát huy di sản ông cha để lại.