Học Bác để gắn kết yêu thương

VOV.VN - Theo cô giáo Quyên, những việc em làm đều xuất phát từ cái tâm của mình. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi mọi người được sống trong tình yêu thương.

Giữa con người với con người luôn có một thứ tình cảm rất thiêng liêng và cao cả - đó là tình yêu thương và sự sẻ chia. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương người như thể thương thân”, cô giáo Tòng Thị Quyên, sinh năm 1980, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La luôn khắc khoải trong lòng, làm sao để ngày càng giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh nghèo... Như vậy, tình yêu thương sẻ chia được lan tỏa, những hoàn cảnh khó khăn mới có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Tấm lòng trân quý ấy của cô giáo nơi biên giới xa xôi đã giúp bao hoàn cảnh khó khăn vượt qua hoạn nạn, bao em nhỏ có áo ấm, có sách vở để đến trường,  thực hiện được ước mơ của mình.

Cô giáo Quyên cùng các chiến sỹ biên phòng đến tận từng nhà thăm hỏi và tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Em Tòng Thị Thanh Hằng, trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cũng như bao bạn học sinh vùng cao khó khăn khác đang học tại trường, mùa đông này đã có thêm áo ấm từ sự kết nối chia sẻ mà cô Quyên mang đến.

“Khi em nhận được những xuất quà của cô Quyên, chúng em rất vui và phấn khởi. Những suất quà này giúp em và các bạn có đồ dùng để học tập, quần áo ấm để mặc, giúp em yên tâm học tập. Nhà em nghèo, bố mẹ không có tiền mua quần áo cho em, sách vở cũng không có, cô Quyên đã mang rất nhiều thứ đến cho em và các bạn trong lớp. Chúng em vui lắm khi có quần áo ấm để mặc”, em Hằng chia sẻ.

Sinh ra ở bản Nà Ản, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, một vùng đất biên giới Tây Bắc xa xôi nghèo khó, con gái phần lớn không được đi học, do quan niệm của bà con vùng cao lúc đó, con gái thì ở nhà làm nương và đi lấy chồng. Vì vậy, Quyên đã ấp ủ ước mơ phải quyết tâm đi học về làm cô giáo và giúp các em nhỏ của bản làng mình có cơ hội đến trường, đến lớp. Vì thế, Quyên đã phải vượt qua những rào cản của vùng quê miền núi khó khăn để lên đường đi học

“Ký ức tuổi thơ về sự vất vả của bố mẹ, của bà con các dân tộc nơi đây đã thôi thúc tôi phải quyết tâm đi học. Tôi nhận thức được các bạn nhỏ quê mình không được học hành thật thiệt thòi, nên tôi đã quyết tâm đi học sư phạm tiểu học để trở về xã mình công tác, nuôi ước mơ sẽ vận động trẻ em ra lớp học”, cô giáo Tòng Thị Quyên cho biết.

Kết nối các nhà hảo tâm trao tặng sách vở, quần áo cho các em.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Sơn La, Quyên xung phong về dạy tại trường tiểu học Mường Lạn, một trường của xã biên giới quê hương mình. Trực tiếp làm giáo viên dạy các em ở các trường vùng cao, mới thấy được sự khó khăn vất vả thiếu thốn của học sinh nơi đây. Mùa đông lạnh giá, các em chỉ mặc chiếc áo mỏng manh, chân đất, sách vở đến trường hầu như không có. Vậy là Quyên quyết tâm vừa dạy các em học thật tốt, vừa kết nối làm sao để nhiều nhà hảo tâm biết đến giúp đỡ các em. Tất cả suy nghĩ này đều xuất phát từ việc học tập lời dạy của Bác Hồ.

“Học Bác là để biết yêu thương, chia sẻ, quan tâm đến mọi người. Tôi là giáo viên chủ nhiệm, lớp tôi có một học sinh tên là Giàng A Sy, mồ côi cả cha lẫn mẹ, khi tôi phát chiếc áo bông và một chiếc cặp sách cho học sinh Sy, em đã ôm tôi và khóc, hỏi  sao em khóc thì em đó nói vì lần đầu biết áo ấm như thế. Lúc đó, ký ức hồi nhỏ của tôi hiện về và hai cô trò ôm nhau khóc, cả lớp khóc, nên tôi quyết tâm xin đồ đạc, quần áo những nhà người quen cho học sinh của tôi, dần rộng ra cho các em khó khăn khác ở trường. Về sau có kế hoạch Đoàn trường giúp đỡ học sinh, dần dần xin được các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nơi nào khó khăn thì gửi giúp đỡ. Giúp được hoàn cảnh nào, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc vì chia sẻ, giảm bớt được khó khăn của những người cần trợ giúp”, cô giáo Tòng Thị Quyên tâm sự.

Tổ chức trung thu cho các em học sinh vùng cao.

Theo cô giáo Quyên, những việc em làm đều xuất phát từ cái tâm của mình. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi mọi người được sống trong tình yêu thương. Đó không phải là thứ tình cảm quá xa vời như nhiều người vẫn nghĩ. Thực hiện lời Bác dạy của Bác không phải chỉ làm những gì đó to tát, mà là cùng chia sẻ tấm lòng cho những người thiếu may mắn, giúp họ có cơ hội sống, cơ hội học hành.

Do vậy, ngoài việc đứng lớp dạy chữ cho các em, thời gian còn lại phần lớn là Quyên tìm đến các địa chỉ khó khăn để giúp đỡ. Hàng nghìn bộ quần áo mới, áo ấm, sách vở, bứt mực được chuyển đến các em trong dịp đầu năm học, trước mùa đông, rồi rất nhiều những vật chất khác được Quyên kết nối chuyển đến giúp các em có điều kiện để đến trường.

“Phần lớn tôi tập trung vào các em nhỏ, như kêu gọi quyên góp quần áo, sách, vở, bút, giầy dép…. Đặc biệt các dịp đầu năm học tôi kêu gọi quyên góp quần áo sách, vở rồi gửi thầy cô đến các điểm trường hoặc trực tiếp đi. Giúp đỡ những em nhỏ gia đình nghèo để chữa bệnh”, cô giáo Quyên cho hay.

Soạn quần áo, sách vở sau khi quyên góp được.

Từ năm 2008 - 2012, dù làm công tác quản lý, với vị trí phó hiệu trưởng và phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, Quyên vẫn say sưa với hoạt động xã hội. Không chỉ dừng ở việc kết nối giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mà năm 2017, Quyên lại tham gia Câu lạc bộ thiện nguyện xanh Sốp Cộp. Mỗi tuần Câu lạc bộ phát xôi, cháo 2 lần cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Sốp Cộp, giúp đỡ những em bé ốm đau nhà nghèo, làm thủ tục chuyển viện, kêu gọi giúp đỡ xe đi cấp cứu, tiền viện phí, thăm hỏi những gia đình hỏa hoạn. Quãng thời gian gần 20 năm làm công tác từ thiện, xã hội đối với Quyên luôn là những kỷ niệm ấm long.

“Có rất nhiều kỷ niệm, những ánh mắt, nụ cười của trẻ khi nhận áo mới, đồ dùng. Tôi nhớ nhất là năm 2016, tôi phối hợp với anh Tú chủ nhiệm chính trị bộ đội biên phòng tỉnh cứu cháu bé tên là Thào A Nếnh, 8 tháng tuổi ở bản Huổi Pá, xã Mường Lạn,  bé bị viêm phổi nặng, thiếu máu , đã kêu gọi bạn bè và xin nghỉ phép đưa bé đi Sơn La cấp cứu và cháu đã khỏi bệnh”.

 

Chồng làm bộ đội biên phòng ít khi về nhà, một mình chăm 2 con nhỏ, nhưng Quyên vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để làm tốt hơn công việc nhà trường, xã hội từ cái tâm của mình. Tranh thủ ngày nghỉ và buổi tối Quyên viết tin kết nối qua zalo, Facebook, tập kết đồ về phân loại, giặt giũ rồi ngày nghỉ mang đi tặng hoặc gửi bạn bè, thầy cô, các Đồn Biên phòng  đến các xã, các điểm trường. Có lúc kết hợp các chuyến công tác.

Cùng Câu lạc bộ phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Thầy giáo Quàng Văn Hồng, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, ngôi trường mà đã được Quyên kết nối rất nhiều để các nhà hảo tâm ủng hộ, chia sẻ với các em học sinh nghèo vùng cao luôn dành cho cấp dưới của mình những tình cảm trân quý.

“Trong những năm qua, đồng chí Quyên đã rất quan tâm đến nhà trường và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Đồng chí đã kết nối các nhà hảo tâm, đội thiện nguyện trên mọi miền Tổ quốc đến giúp đỡ nhà trường; kết nối xây dựng bếp ăn bán trú, đồng thời quyên góp ủng hộ quần áo, sách vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường”, thầy giáo Hồng chia sẻ.

Tích cực trong hoạt động chuyên môn, hăng say trong các hoạt động xã hội, từ thiện, Quyên đã được tặng thưởng rất nhiều Bằng khen, giấy khen như: Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác xóa mù chữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục & đào tạo tặng; Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác các năm của UBND huyện Sốp Cộp. …Khi hỏi về những dự định cho thời gian tới Quyên chia sẻ: Nơi biên cương xa xôi vẫn còn nghèo khó, lời dạy của Bác sẽ theo tôi mãi trong suốt quá trình công tác của mình.

“Tôi sẽ cùng câu lạc bộ thiện nguyện xanh tiếp tục tận dụng thời gian ngoài giờ để giúp đỡ những em nhỏ ốm đau mà nhà nghèo và những người hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Sốp Cộp. Khi nào còn người cần mình giúp đỡ thì sẽ tiếp tục cùng chị em trong câu lạc bộ giúp đỡ mọi người và sẽ tiếp tục “xin những người có điều kiện để giúp người khó khăn, kém may mắn”, cô giáo Tòng Thị Quyên cho biết.

"Phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân”, yêu thương con người là một trong bốn chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời "Nói thì phải làm", cô giáo Tòng Thị Quyên sẽ tiếp tục khắc ghi lời dạy của Bác trên bước đường công tác của mình. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa đó chính là thực hiện chuẩn mực yêu thương con người - nét đẹp vĩnh hằng của đạo đức Hồ Chí Minh./.

Học Bác: Làm gì để dân quý, dân tin?

VOV.VN - Lối sống gần gũi, giản dị, lời nói luôn đi đôi với việc làm của Người là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi: Làm gì để dân quý, dân tin!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tuổi trẻ học Bác từ những điều nhỏ nhất
Tuổi trẻ học Bác từ những điều nhỏ nhất

VOV.VN - Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo HS-SV trên cả nước.

Tuổi trẻ học Bác từ những điều nhỏ nhất

Tuổi trẻ học Bác từ những điều nhỏ nhất

VOV.VN - Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo HS-SV trên cả nước.

Từ Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05: Học Bác phải đi vào thực chất
Từ Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05: Học Bác phải đi vào thực chất

VOV.VN- Từ Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05, chúng ta đã bước vào năm thứ 8 tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05: Học Bác phải đi vào thực chất

Từ Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05: Học Bác phải đi vào thực chất

VOV.VN- Từ Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05, chúng ta đã bước vào năm thứ 8 tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chuyện học Bác của một cán bộ mặt trận người dân tộc Hoa​
Chuyện học Bác của một cán bộ mặt trận người dân tộc Hoa​

VOV.VN -Bằng tấm lòng nhiệt thành, nhân ái và tinh thần học Bác, ông Hoàng A Pẩu là tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Đồng Nai.

Chuyện học Bác của một cán bộ mặt trận người dân tộc Hoa​

Chuyện học Bác của một cán bộ mặt trận người dân tộc Hoa​

VOV.VN -Bằng tấm lòng nhiệt thành, nhân ái và tinh thần học Bác, ông Hoàng A Pẩu là tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Đồng Nai.