Học sinh áp lực, “lò luyện” bùng phát
VOV.VN -Việc ra đề quá rộng theo kiểu nhồi nhét kiến thức đang gây áp lực lớn cho học sinh, tạo cơ hội cho “lò luyện” bùng phát trở lại.
Nhồi nhét kiến thức, thí sinh quay cuồng
Nếu như đề thi năm ngoái tương đối dễ thở, thì năm nay, qua đề thi minh họa, thầy trò lớp 12 đều cho rằng, các câu hỏi nâng cao có phần khó và đánh đố. Dù đề thi chỉ có 20-30% là kiến thức lớp 11 nhưng với biên độ quá rộng (bởi đề thi trắc nghiệm, kiến thức nào cũng có thể chạm đến) nên lo lắng và hoang mang là tâm trạng chung của phần lớn học sinh lớp 12.
Kết quả khảo sát qua 200 học sinh (HS) khối lớp 12 của trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho thấy có tới 71,9% HS lo lắng về đề thi năm nay, trong đó hơn 80% lo lắng về lượng kiến thức cần ôn tập quá nhiều, phần lớn học sinh cho rằng chưa có thời gian ôn lại chương trình lớp 11 vì còn phải học chương trình lớp 12.
Qua khảo sát cho thấy, có tới 71,9% học sinh lo lắng về đề thi THPT Quốc gia năm nay (Ảnh: minh họa) |
Em Thu Phương, lớp 12 chuyên Toán, Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ: “Đề thi thử của Hà Nội em thấy phần phân hóa khá cao, lượng kiến thức nhiều. Đề thi ở phần kiến thức cơ bản thì dễ, nhưng phần nâng cao rất khó. Trong khi đó chưa đầy ba tháng là bước vào kỳ thi nên em vừa phải hoàn thành chương trình lớp 12 và vừa phải ôn lại chương trình lớp 11 nên khá căng thẳng”.
Còn Đỗ Nhật Duy, học sinh lớp 12D5 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng bày tỏ: Điều em lo nhất là làm sao ôn luyện song song được cả hai chương trình lớp 11 và lớp 12. Hiện tại em phải đi luyện thi thêm ở ngoài nhà trường gần như kín tuần…”.
Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tổng hợp ý kiến của các giáo viên đang dạy chương trình lớp 12 của trường, các thầy cô cho rằng, thách thức chủ yếu nằm ở phần nội dung kiến thức lớp 11 được đưa vào đề thi, với phương thức thi trắc nghiệm, bất cứ chi tiết nhỏ nào cũng có thể được đưa vào đề thi nên lượng kiến thức HS phải học là quá lớn. Trong khi đó, sau khi học xong chương trình lớp 12 chỉ còn 4 tuần để ôn tập toàn bộ chương trình lớp 11 và 12. Làm sao học sinh có thể ôn tập tốt 6 môn thi và gấp đôi lên thành 12 môn (gồm cả lớp 11) trong thời gian chưa đầy 4 tuần?
Những mốc thời gian cần nhớ trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018
Cô Nguyễn Thị Chuật, Tổ trưởng tổ Văn Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, phân tích, trong đề khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội (dựa trên đề minh họa của Bộ), riêng bài văn 5 điểm, gồm kiến thức lớp 11 là 50% và lớp 12 là 50%, không có phần liên hệ mở rộng, sáng tạo cho HS viết.
Hơn nữa, thời gian chỉ có 120 phút với một lượng kiến thức khá rộng như thế, e rằng học sinh không đủ thời gian làm bài. Và nếu tới đây, đề thi chính thức như đề minh họa thì không thể tránh khỏi việc học sinh phải luyện thi rất vất vả như trước kia. Cô Chuật đề nghị Bộ GD-ĐT cần cân nhắc khi ra đề chính thức, tránh tham kiến thức, đưa chương trình lớp 11 quá khó và dài vào đề thi.
Không ít giáo viên cho rằng, với lối ra đề này có lẽ Bộ đang phát động phong trào luyện thi THPT Quốc gia rầm rộ trên cả nước kể từ năm nay, vì nếu không đi vào các “lò luyện” thì học sinh không chắc đã làm được bài để thi đỗ.
Triệt tiêu đổi mới dạy học
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, đề thi trắc nghiệm hiện nay vẫn chỉ là kiểm tra những kiến thức vụn vặt, dàn trải, gây khó khăn trong ôn luyện. Theo thầy Lâm, đề thi chỉ cần kiểm tra những kiến thức cơ bản giúp học sinh rèn luyện tư duy, vận dụng kiến thức trong cuộc sống, chứ không phải bắt học thật nhiều kiến thức theo kiểu học vẹt. Bởi điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.
Còn thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thẳng thắn: Bộ GD-ĐT cần xác định rõ nhiệm vụ chính của kỳ thi THPT Quốc gia là để xét tốt nghiệp chứ không phải để tuyển sinh đại học (ĐH).
Nếu với cách ra đề quá khó mang tính đánh đố học sinh thì kỳ thi này sẽ nghiêng về việc phục vụ cho tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH và không đánh giá được bình diện chung, đặc biệt là với rất nhiều trường, học sinh có chất lượng đầu vào ở mức trung bình. Không thể vì mục tiêu tuyển sinh của một số trường ĐH tốp đầu mà bắt học sinh cả nước phải làm đề thi quá khó, gây lo lắng, hoang mang không cần thiết.
Điểm nổi bật, đáng lưu ý của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018
Thêm nữa, theo phản ánh của các thầy cô, trong khi cả xã hội đang kỳ vọng khi theo mục tiêu đổi mới dạy học, với lối ra đề như vậy, nếu người thầy giảm tải và sử dụng phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực người học thì sẽ thất bại vì học sinh không thể làm được bài thi. Trên thực tế, giáo viên không còn cách nào khác là quay lại với lối dạy truyền thống, truyền thụ 1 chiều, chỉ dạy kiến thức mà không cần quan tâm đến năng lực người học nữa.
Đồng thời các thầy cô cũng đặt câu hỏi, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đạt hiệu quả cao thế không được Bộ rút kinh nghiệm để phát huy mà lại đi vào lối mòn chủ yếu là thi kiến thức ghi nhớ, đánh đố. Đâu có phải cứ ra đề thi khó là phân hóa được học sinh. Ta còn có nhiều cách phân hóa tốt hơn mà không gây áp lực lớn cho học sinh và xã hội./.