Học sinh học lịch sử, văn hóa dân gian qua ca trù, quan họ…
VOV.VN - Thay vì những bài giảng khô cứng trên lớp, việc giáo dục lịch sử, đạo đức, lối sống cho học sinh được nhiều trường tại Hà Nội thực hiện thông qua các chương trình nghệ thuật, trò chơi dân gian thú vị…
Thực hiện chương trình GDPT mới theo hướng tăng các hoạt động trải nghiệm, đầu năm học 2022-2023, nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thay vì các buổi học trên lớp khô cứng như trước đây, nhà trường đặc biệt chú ý đến việc tìm kiếm các địa điểm học ngoại khóa phù hợp, gắn kết với chương trình của học sinh từng khối lớp, từ đó tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
“Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, các vở biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, từ những hoạt động này, học sinh được tìm hiểu một cách chân thực về những bài học lịch sử, được giáo dục về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và quan trọng hơn nữa là góp phần hình thành và phát triển năng lực cho học sinh theo định hướng của Chương trình GDPT mới, giúp các em có thêm hứng thú ở các bài học”, cô Vân Anh cho biết.
Còn tại Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), để giáo dục về Lịch sử, văn hóa dân gian, xen kẽ vào các chương trình Lịch sử ngoại khóa, nhà trường thường tổ chức cho học sinh tham gia vào các trò chơi dân gian như múa sạp, ném còn, đi cà kheo…
Ban giám hiệu Trường THCS Giảng Võ cho biết, tại tiết sinh hoạt ngoại khóa mới đây, nhà trường tổ chức cho các em học qua vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ để giúp học sinh được khám phá văn hoá dân gian. Đặc biệt, bồi đắp thêm kiến thức lịch sử và tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Vở diễn kéo dài 55 phút với 6 phần chính gồm: Thi ca, cõi Phật, hoài cổ, nhạc họa, an vui và ngày hội. Vở diễn đã tái hiện những câu chuyện lao động, học tập của người Việt thông qua các đại cảnh lớn dưới nước, lồng ghép vào đó là tiếng mưa, tiếng ve gọi hè hay tiếng đan lát áo mưa rơm… . Vở diễn cũng tái hiện lại những nét tinh hoa văn hóa dân tộc giàu truyền thống như dân ca quan họ Bắc Ninh, hát ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu... giúp học sinh có thêm kiến thức văn hóa.
Qua những tiết học thực tế này không những giúp học sinh thêm tình yêu đam mê với lịch sử cội nguồn dân tộc thì còn giúp các em cân bằng cảm xúc trong học tập.
Còn tại trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), cô Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, buổi sinh hoạt dưới cờ chuyên đề “Khởi nguồn ước mơ” vừa được tổ chức với slogan “Bất kể đích đến nào từ học tập đến cuộc sống, đều được bắt đầu từ những ước mơ. Khi mỗi học sinh biết ước mơ, các con sẽ có mong muốn đạt được ước mơ đó, và “khởi nguồn ước mơ”. Hoạt động được tổ chức với mong muốn cho học sinh hiểu được và có thêm động lực để kiên trì theo đuổi ước mơ.
“Khi các con bước chân vào cổng trường, các con đã được nuôi dưỡng những ước mơ của mình. Từ đó, sẽ biết tu dưỡng, rèn luyện, sẽ trau dồi bản thân, có những hành động cụ thể, để đạt được ước mơ của mình. Chuyên đề cũng hướng đến giáo dục các con tính kiên trì. Kiên trì theo đuổi, thực hiện ước mơ thì sẽ dẫn đến thành công. Nhà trường cũng luôn có các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và ở các hoạt động khác…”, cô Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Dưới góc độ giáo viên thực tiếp giảng dạy các hoạt động ngoại khóa, cô Nguyễn Thị Thảo - giảng viên Trung tâm đào tạo Vietfuture cho biết, những buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh có thêm nhiều cảm hứng hơn trong việc học. Thay vì để những người xung quanh tác động, các em sẽ tự tìm ra động lực để tự học, học vì mình, vì ước mơ, thậm chí là vì đam mê của bản thân.
Trong buổi học, các em có thể thoải mái nêu ra quan điểm, ý kiến cá nhân về việc học. Các em được tham gia những trò chơi khác nhau để hiểu được rằng học tập không chỉ trên ghế nhà trường mà học tập là ở mọi lúc, mọi nơi và bất cứ khi nào cũng có thể học tập được.
Song với phương pháp học này sẽ yêu cầu giáo viên phải không ngừng sáng tạo: "Trong các dạy cho học sinh tại các trường, chúng tôi thường đưa ra các câu chuyện ngụ ngôn vào tiết học để các em hiểu được rằng cần phải vượt qua rất nhiều quá trình rèn luyện khổ cực, vất vả thì mới có thể đến được với thành công. Trong học tập cũng vậy, sẽ có những lúc các em cảm thấy chán nản, mệt mỏi nhưng để thực hiện được ước mơ và mục tiêu của mình thì các con phải tự mình vượt qua được. Ngoài ra, trong các bài giảng, chúng tôi cũng lồng ghép những nội dung như tự tin là chính mình khi bước vào tuổi dậy thì, thấu hiểu tâm lý, sự khác biệt giới tính và không kì thị giới tính thứ 3. Can đảm và mạnh mẽ khi đứng trước nỗi sợ hãi và những khó khăn. Ngoài ra, các em sẽ biết yêu thương gia đình, cha mẹ và những người xung quanh...”, cô Thảo cho biết.
Từ quá trình giảng dạy thực tế, cô Nguyễn Thị Thảo cho rằng, các trò chơi, bài học thực tiễn hay câu chuyện ngụ ngôn sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thu Hương, chủ nhiệm lớp 5A5, Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, nhiều tiết học trên lớp có kiến thức tương đối nặng nên học sinh phải tập trung, giữ trật tự tránh làm ảnh hưởng bạn bè. Tuy nhiên, tiết ngoại khóa, ngược lại, rất sôi động vì các em có thể liên tục trả lời, đặt câu hỏi với giảng viên đứng lớp.
Cô Hương cũng bày tỏ mong muốn các trường được phép thí điểm 1-2 tiết/tháng về ngoại khóa kỹ năng sống để các em có thể thư giãn, vận động sau các giờ học chính khóa căng thẳng./.