Học sinh sợ…. nghỉ Tết
Tết là thời gian để đi chơi, thăm hỏi và gặp gỡ nhau, nhưng với rất nhiều em học sinh, Tết là tranh thủ làm bài tập.
Khi học sinh không được nghỉ Tết
Kì nghỉ Tết năm nay khá dài, nhưng cũng đồng nghĩa với việc số lượng bài tập của nhiều học sinh cũng sẽ lớn hơn. Đặc biệt với học sinh cấp 3 và các em học sinh cuối cấp, số lượng bài vở cần hoàn thành nhiều không khác gì những ngày học bình thường.
Em Nguyễn Thị Hoa, học sinh lớp 12 (Hà Nội), chia sẻ: “Chỉ còn vài tháng nữa là phải thi Đại học nên những ngày nghỉ Tết em vẫn phải học, phải làm khá nhiều bài tập. Bài tập cô giao, những bài trong bộ đề cương ôn tập… có khi còn nhiều hơn cả những ngày em đi học trên lớp.”
Nỗi ám ảnh mang tên bài tập Tết với không ít các em học sinh (Ảnh minh họa) |
Nghỉ Tết, rất nhiều thầy cô tranh thủ giao thêm bài tập cho học sinh để các em có thể ôn luyện và một phần là để các em khỏi quên kiến thức. Năm nào trước khi nghỉ Tết, các em đều nhận được câu chúc: “Vui Tết nhưng không quên nhiệm vụ học của mình nhé”. Nhưng với số lượng bài vở khá nhiều như hiện nay, dù có không quên nhiệm vụ thì cũng rất nhiều em không thể hoàn thành hết bài tập.
Nguyễn Vũ Nam, học sinh lớp 7 (Hà Nam), tâm sự: “Dù biết trước năm nào nghỉ Tết cũng có bài tập nhưng vẫn thấy buồn, mỗi lần thầy cô giao bài về làm. Trước Tết, em đều tranh thủ làm bài tập vì sợ sau đó sẽ đi chơi với bạn bè không làm được. Nhưng cũng đã có năm em không làm hết được số bài tập.”
Nỗi ám ảnh mang tên bài tập Tết
Thông thường vào các buổi học cuối cùng trước khi nghỉ Tết, các em học sinh đều nhận được những tờ photo bài tập, có khi dài đến vài trang. Nhiều em đã phải tính đến việc không đi chơi Tết để ở nhà hoàn thành bài tập.
Hoài Nam, học sinh lớp 9, chia sẻ: “Năm nào cũng có bài tập, nhưng năm nay có vẻ nhiều hơn và yêu cầu phải hoàn thành cũng cao hơn. Em đang nghĩ chắc phải ở nhà làm bài tập, không đi chơi được. Vẫn biết làm nhiều bài tập thì tốt cho mình nhưng cứ nhiều như thế này thì nó trở thành nỗi sợ hãi với học sinh bọn em.”
Tết là thời gian để đi chơi, thăm hỏi và gặp gỡ nhau, nhưng với rất nhiều em học sinh, Tết là tranh thủ làm bài tập để ra Tết đến trường không phải phập phồng lo lắng mỗi lần thầy cô kiểm tra bài vở.
Không chỉ là nỗi ám ảnh của các em học sinh, đến phụ huynh cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ngày Tết mà con em mình vẫn hì hục với bài vở.
Chị Nguyễn Thị Xuân (Ninh Bình), chia sẻ: “Là cha mẹ thì ai cũng mong con mình chăm chỉ học hành, nhưng ngày Tết cũng muốn cho chúng nó được nghỉ ngơi. Nhiều khi bố mẹ đi đâu đó, lại thấy nó đóng cửa ở nhà một mình vì lí do: con chưa làm xong bài tập, thấy cũng tội cho con”.
Làm bài tập là tốt nhưng nếu với một số lượng quá nhiều và phân trong thời gian không hợp lý thì rất dễ phản tác dụng.
Có khi các em chỉ làm qua loa cho xong, không thực sự đạt được kết quả như mong muốn của thầy cô. Thậm chí sau mỗi kì nghỉ tết, bài tập còn trở thành nỗi ám ảnh đối với các em.
Nguyễn Hà Anh, học sinh lớp 5, nhà ở Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến kì nghỉ Tết Nguyên đán cháu lại thấy buồn vì bố mẹ thì suốt ngày nấu ăn, tiếp khách, rồi lại đi chúc Tết hết nhà này tới nhà khác... Sau đó tiếp tục lại hành trình về quê từ bên Nội tiếp sang bên ngoại đến chóng cả mặt. Riêng bản thân cháu thì cứ cắm đầu hoàn thành rất nhiều bài tập với các môn thầy cô giao về nhà trong kì nghỉ, nên dù mẹ cho nghỉ cháu cũng không dám đi chơi, sợ đầu năm mà không đủ bài tập sẽ không tốt cho cả năm học... nên cháu rất sợ nghỉ Tết.”
Kì nghỉ Tết, đối với học sinh không hẳn phải giao nhiều bài tập về là tốt. Trong dịp này có rất nhiều nghi lễ cổ truyền trẻ có thể tìm hiểu và học tập như: Về phong tục tập quán truyền thống của người Việt trong ngày Tết, hay ý nghĩa của việc đón giao thừa, hoặc cùng bố mẹ đi lễ chùa đầu năm... để các em cảm nhận được ý nghĩa đặc biệt của Tết nguyên đán, làm phong phú và bồi dưỡng giá trị tinh thần cho các em trong cả năm học.
Dẫu biết việc giao bài tập Tết cho học sinh là tốt nhưng nên có những cách phù hợp hơn để các em học sinh thực sự có được những ngày nghỉ Tết đúng nghĩa, để bài tập Tết không còn là nỗi ám ảnh thường trực đối với học sinh./.