Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học như thế nào cho hiệu quả?
VOV.VN - Nhiều thầy cô giáo và chuyên gia giáo dục cho rằng, trên thực tế, học sinh đang sử dụng điện thoại rất nhiều và một phần trong số đó dùng để hỗ trợ việc học.
Sáng 25/9, tại TP HCM, báo Tiền Phong phối hợp với trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và trường THPT Hùng Vương tổ chức tọa đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại- Nên hay không?”. Dự tọa đàm có các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo và đại diện học sinh các cấp học.
Trước những ý kiến trái chiều quanh Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT, trong đó có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên…", nhiều đại biểu dự tọa đàm cho rằng: Nên cho học sinh sử dụng điện thoại nhưng phải có những biện pháp kiểm soát hữu hiệu.
Tại tọa đàm, nhiều em học sinh cho biết, việc sử dụng điện thoại để phục vụ cho học tập các môn Tiếng Anh, Toán, Vật lý… được các em thực hiện thường xuyên trong giờ ra chơi ở trường hoặc thời gian ở nhà. Đa phần học sinh dùng điện thoại để tra từ điển, xem các thí nghiệm khoa học, xem các cách giải bài qua các video… Các em không phủ nhận việc sau khi xem bài xong thì tiếp tục dùng điện thoại để giải trí, chơi trò chơi và không ít học sinh dùng điện thoại quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng đó là các bạn không được giám sát và hướng dẫn sử dụng một cách hiệu quả.
Tương tự như vậy, nhiều thầy cô giáo và chuyên gia giáo dục dự tọa đàm cũng cho rằng, trên thực tế, học sinh đang sử dụng điện thoại rất nhiều và một phần trong số đó dùng để hỗ trợ việc học. Vấn đề đặt ra là, thầy cô, các bậc cha mẹ nên nhìn nhận việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học có sự giám sát của giáo viên theo hướng tích cực. Cụ thể, hãy xem sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập là cần thiết, là một kỹ năng mềm, một phương tiện để các em tiếp cận nhiều hơn với kiến thức mới, với giáo dục 4.0. Cho nên, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học để học tập, nhưng cả học sinh và giáo viên đều cần được hướng dẫn cách sử dụng, quản lý.
PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong đời sống, giáo dục là không thể ngăn cản. Việc sử dụng điện thoại trong giờ học nên được xem là thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh: "Chúng ta có thể tập huấn cho học sinh, sinh viên về tác hại của sử dụng điện thoại không đúng, có thể tập huấn cho giáo viên về làm thế nào để kiểm soát tốt. Trước đây, chúng ta hay nói sinh viên Việt Nam yếu về phản biện, yếu về giao tiếp và mình đã có những tập huấn điều đó cho các em. Thì bây giờ việc sử dụng điện thoại cho học tập cũng coi như là một kỹ năng mềm, để tập huấn và có các chuyên gia tham gia"./.