Học sinh Tân Nhiên với nỗi "ám ảnh" đường đến trường mùa mưa lũ
VOV.VN - Cứ đến mùa lũ, học sinh tại thôn Tân Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn lại phải vượt sông, vượt dòng nước xiết để tới trường…
Hình ảnh cha mẹ cõng con em lội nước, hay phải vượt qua sông bằng chiếc xuồng kéo tay…vẫn là chuyện thường nhật trong đời sống người dân nơi đây. Học sinh và phụ huynh lo sợ nhất là mỗi khi lũ về.
Em Nguyễn Việt Khôi và 3 bạn cùng lớp là học sinh lớp 4A trường tiểu học Nhật Tiến ngày nào cũng đạp xe qua khu vực cầu ngầm tại thôn Tân Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng để tới trường.
Em Nguyễn Việt Khôi kể: “Mùa mưa lũ nước ở đây ngập sâu, nước chảy xiết, đường trơn lắm, cảm giác như muốn ngã xuống cầu ngầm. Lúc đấy, bố mẹ cõng con trên vai rồi đưa con tới trường. Những lúc nước lên to quá thì bọn con đi bằng thuyền. Con sợ lắm, nhiều lúc không dám về nhà nữa vì nước lũ to quá”.
Hơn 100 hộ dân tại thôn Tân Nhiên xã Nhật Tiến cứ đến mùa lũ dường như bị cô lập. Nếu tình trạng này kéo dài, cầu có thể bị ngập từ 1-2 tuần, ngắn thì cũng bị ngập 2-3 ngày. Vào những ngày lũ to, người dân tại đây phải mất chi phí đi xuồng dịch vụ để đưa đón con đi học. Giá thuê xuồng đối với trẻ em là 5.000 đồng, người lớn là 10.000 đồng/lượt, thêm cả tiền xe cộ qua sông.
Bà Nguyễn Thị Sự, người dân thôn Tân Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, cho biết: “Đúng như một cái đảo, mênh mông toàn nước là nước. Người dân khổ lắm, nhiều khi bà con muốn đi mua rau còn không đi mua được, mưa to gió lớn, các cháu cũng chẳng dám đi học. Nhà nào có tiền thì cho con đi qua xuồng, nhà nào mà 4-5 con không có kinh tế thì thôi cho con nghỉ học”.
Chỉ với chiếc xuồng sắt chòng chành kéo bằng dây, người và phương tiện vượt qua dòng nước cuồn cuộn chảy. Lũ trẻ thì lo sợ, người lớn thì vội vàng tát nước, bịt những lỗ thủng trên xuồng. Trên thực tế, đã có không ít tai nạn đã xảy ra.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn chục vụ cả người và phương tiện rơi xuống sông, may mắn chưa xảy ra thiệt hại về người. Bà Đàm Thị Trùng, một người dân cho biết: “Dân bên này khổ lắm. Mỗi một lần nước lũ dâng là phải đi xuồng, nước thì cao, cho lũ trẻ lên xuồng đi đi lại lại, rất là sợ. Không có áo phao đâu, lúc trước Ủy ban cho mấy cái áo phao nhưng đã cấp được gần chục năm rồi. Như năm nay đi qua đoạn cầu ngầm rất là nguy hiểm, năm nay đã có nhiều người mất tài sản, nhiều người kể cả trẻ con cũng rơi xuống cầu. Có những trường hợp, có người và phương tiện đêm hôm đi qua đấy, xe bị rơi xuống mãi đến tận hôm sau mới tìm được, còn ví, tiền, điện thoại mất hết”.
Phương tiện di chuyển bằng xuồng không an toàn, do vậy nhiều bậc phụ huynh quyết định để con em ở nhà, không dám cho tới trường. Vì thế cứ đến những ngày nước lũ, ngoài việc dạy học trên lớp, cô giáo Hứa Thị Trang, giáo viên trường mầm non xã Nhật Tiến lại kiêm thêm công việc “vận chuyển” các cháu đi học. Nhà cô Trang cũng ở trong thôn Tân Nhiên, nên cô phải dậy thật sớm, để đón các cháu tới trường bằng con đường vòng dài hơn 15 km.
Cô giáo Hứa Thị Trang nói: “Các cô trong trường cũng thường xuyên xem dự báo thời tiết nắm bắt tình hình nước lũ và thăm hỏi tới các bậc phụ huynh để cho con em đi học đầy đủ. Trong lúc nước ngập tràn, nếu cha mẹ học sinh không đón các em được, chúng tôi sẽ cho các em ăn ở trường, đợi người nhà đến đón. Các cô giáo ở đây đều sẵn sàng làm thêm giờ, trông nom các em”.
Suốt bao nhiêu năm nay, các em học sinh vẫn nhọc nhằn đường đến trường. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền xã về những nguy hiểm tại cây cầu ngầm vào mùa lũ, thế nhưng tới thời điểm này tình trạng trên vẫn chưa có hướng giải quyết.
Ông Lô Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: “Tình trạng cầu ngầm bị lụt diễn ra cũng khá lâu rồi. Ngày xưa con đường này là thuộc con đường chiến lược của Bộ quốc phòng, làm từ rất lâu rồi. Bây giờ, quanh năm vào mùa mưa lũ, bà con cũng rất khó khăn trong việc đi lại cũng như các cháu học sinh đi học. Tuy nhiên do kinh phí quá lớn nên xã Nhật Tiến không thể tự thực hiện việc xây dựng, nâng cấp cây cầu. Do vậy xã đã kiến nghị, báo cáo với cấp trên để xem xét nâng cấp cây cầu để bà con đi lại thuận tiện hơn”.
Hơn lúc nào hết, khó khăn này đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của các cấp chính quyền, của những Mạnh thường quân. Có như vậy, mỗi ngày đến trường mới thực sự là một ngày vui đối với các em nhỏ nơi đây./.