Học trực tuyến tại ĐBSCL: Khó trăm bề, công nghệ yếu
VOV.VN -Việc học trực tuyến tại các tỉnh ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn. Địa phương, nhà trường bị động, phụ huynh, học sinh thì thiếu thiết bị để có thể học.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo chương trình học cũng như kiến thức cho học sinh, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có hướng dẫn để các địa phương thực hiện tinh giản kiến thức và tiến hành dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, tại ĐBSCL khi triển khai thực hiện, các tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Các địa phương, nhà trường thì bị động trong việc triển khai do quá gấp; còn phụ huynh, học sinh thì thiếu trình độ công nghệ thông tin, thiếu thiết bị để đảm bảo có thể học.
Nhiều học sinh vùng sâu vùng xa tại các tỉnh ĐBSCL không đủ điều kiện để có thể học trực tuyến. |
Sau hơn hai tháng nhà trường cho nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Dung (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) ngày nào cũng nhắc con mình là em Trần Út Xiếu (học sinh lớp 6A, Trường THCS Khánh Bình Tây) mang bài ra ôn tập. Vợ chồng chị học hành hạn chế nên không thể giúp con trong việc học.
Vừa qua, cô giáo có liên hệ với gia đình, hướng dẫn lên ứng dụng Edu để tải tài liệu và bài tập về cho Xiếu ôn tập. Chị có điện thoại thông minh nhưng ứng dụng là cái gì thì chị không biết. Chị nhờ người em cài đặt dùm, rồi mấy lần liên hệ nhờ cô giáo hỗ trợ đăng nhập nhưng nhớ trước quên sau, đến bây giờ chị vẫn chưa tiếp cận được nội dung cô giáo gửi.
Gia đình chị làm nghề biển, khi chồng vào bờ cũng là lúc chị đi chợ bán “chiếm lợi phẩm”. Trước khi đi, không lần nào chị Nguyễn Thị Dung quên dặn con phải học bài nhưng khổ nỗi các em mê chơi hơn mê học nên không chắc là bé sẽ nghe lời.
“Dễ gì hiểu được. Ngày xưa cha mẹ học có tới lớp 4, lớp 5 hà. Bây giờ em nó học lớp 6, mà kiến thức bây giờ rộng hơn nhiều nên không biết đường dạy. Nghe nói lên mạng, lên internet gì cũng không biết đường để cháu vào học. Nọ nay mò mẫm hoài mà chưa bấm được, không biết đường cho các cháu học”, chị Dung nói.
Nhiều địa phương, trường học không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để dạy trên nền tảng Internet. |
Khó khăn của gia đình chị Dung trong việc tiếp cận với việc học trực tuyến cũng rất phổ biến ở những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Còn tại tỉnh có đông đồng bào Khmer như Sóc Trăng thì tình hình còn khó hơn.
Như gia đình ông Trần Sảnh (ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) thậm chí còn không có điện thoại thông minh hay máy vi tính để cháu mình tiếp cận với công nghệ thông tin. Ông Trần Sảnh cho biết, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nhà chỉ có nửa công rẫy nên hai con ông phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Gia đình thiếu thốn đủ bề nên việc có thiết bị để cháu Thạch Thương (học sinh lớp 9/2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mỹ Xuyên) học trực tuyến là rất khó: “Học tại trường thì đi học được, nếu học từ xa thì không có gì để học, cháu thì không có điện thoại, không có wifi, khó khăn lắm”.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mỹ Xuyên, có hơn 260 học sinh thì có khoảng 30% các em thông báo: “không có thiết bị để tham gia học trên mạng”. Số liệu tổng hợp ban đầu từ Sở Giáo dục – Đào tạo Sóc Trăng cho thấy, toàn tỉnh có 40-50% các em không thể tham gia phương pháp học trực tuyến.
Các buổi học trực tuyến thường vắng nhiều học sinh. |
Nguyên nhân do không có công nghệ như máy vi tính, điện thoại thông minh, đường truyền Internet. Ngoài ra, việc học ở nhà có một sự tự do nhất định, nên việc đảm bảo các em lên lớp đủ cũng là bài toán khó giải. Đặc biệt, tại tỉnh Sóc Trăng, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tỷ lệ thuận với đó là số phụ huynh “tha hương cầu thực” và họ không có điều kiện quan tâm con cái.
“Đa số học sinh của trường thì các em nằm rải rác ở các xã, điều kiện gia đình cũng khó khăn, có một số em thì nhà không có hệ thống mạng, công nghệ thông tin để trực tuyến, một số em thì cha mẹ phải đi làm ăn xa, chỉ còn ở nhà với ông, bà việc giám sát học tập của các em cũng còn gặp nhiều khó khăn”, thầy Lý Hoàng Thông, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mỹ Xuyên cho biết.
Ông Võ Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho rằng, việc triển khai học trực tuyến không chỉ đang là khó khăn của phụ huynh, học sinh mà các trường, các địa phương cũng đang bị động về thời gian và đảm bảo trang thiết bị cho cả việc dạy và học.
Dạy và học trực tuyến mùa dịch Covid-19: Hay nhưng khó đủ đường
“Bộ giáo dục chỉ đạo dạy trực tuyến nhưng điều kiện của mình không đảm bảo. Thứ nhất, là triển khai quá gấp. Đây là vấn đề mới, cần tập huấn cho giáo viên nhưng gặp khó do đang tiến hành cách ly xã hội. Thứ hai, thiết bị của mình không đảm bảo. Với lại, mình muốn dạy trực tuyến thì học sinh phải có điều kiện tiếp nhận. Ở nông thôn thì đâu phải nhà nào cũng có điện thoại thông minh, máy tính. Trong các khó khăn đó thì huyện đã báo cáo để cấp trên quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ...”, ông Thống cho hay.
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện dạy và học trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ những vấn đề đã nêu, rất dễ dẫn đến việc “dạy cho có, học cho qua” ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Bên cạnh việc, các địa phương chủ động tìm giải pháp khắc phục, Bộ Giáo dục – đào tạo cũng cần kịp thời quan tâm, tháo gỡ cho các địa phương./.