Hồi ký người Do Thái thành Vienna theo Việt Minh

VOV.VN - Bản tiếng Việt cuốn hồi ký “Việt Nam- tình yêu của tôi” của Ernst Frey (Đại tá Nguyễn Dân), vừa ra mắt độc giả

Nhà xuất bản Tri thức và Đại sứ quán Áo tổ chức buổi ra mắt cuốn sách “Việt Nam- tình yêu của tôi” sáng 6/6/2014 tại nhà riêng của Đại sứ CH Áo tại Hà Nội. Sách dày hơn 400 trang, do Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh dịch, NXB Tri Thức in và phát hành.

Đại sứ Áo TS Thomas Loidl phát biểu tại buổi ra mắt sách

TS Thomas Loidl- Đại sứ Áo tại Việt Nam cho biết: Vài năm trước, khi đi vào hiệu sách ở Vienna ông tình cờ thấy cuốn hồi ký của Ernst Frey được tái bản bằng tiếng Đức. Ông đã mua cuốn sách, mang về đọc và khám phá ra rằng câu chuyện của Ernst Frey vô cùng hấp dẫn, khác lạ và ý nghĩa. Tháng 8/2013, ông bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ Áo tại Hà Nội, TS Thomas Loidl cho rằng đây là một cơ hội tốt để có thể hỗ trợ việc dịch cuốn hồi ký sang tiếng Việt, giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam.

Đại sứ Thomas Loidl xúc động nói: “Tôi nghĩ rằng không có một người Áo nào được sinh ra trong thế kỷ XX lại có cuộc đời và số phận gắn bó với đất nước Việt Nam như Ernst Frey. Vì lý do chính trị Ernst Frey phải rời bỏ Vienna, quê hương của mình vào năm 1938 để bắt đầu một chuyến phiêu lưu qua nhiều nơi và đến Việt Nam, nơi đang diễn ra cuộc đấu tranh chống thực dân. Tại đây ông đã gia nhập đội ngũ Việt Minh và đã tìm thấy quê hương thứ hai của mình. Ông cũng đã góp phần không nhỏ vào trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là một câu chuyện trải nghiệm rất thú vị, một câu chuyện phản ánh quãng thời gian lịch sử đầu thế kỷ XX của cả Việt Nam và Áo…”

 
 

TS Thomas Loidl tìm hiểu và được biết, ước nguyện của Ernst Frey là cuốn hồi ký của mình được dịch ra tiếng Việt. Đến nay, khi Ernst Frey qua đời đã lâu, ước mong ấy cuối cùng cũng trở thành hiện thực.

Cuộc đời người chiến sĩ đấu tranh vì tự do

Ernst Frey sinh năm sinh ngày 10/6/1915 tại Vienna (Áo). Cha ông là người Do Thái. Cuộc đời chìm nổi đưa ông tới Đông Dương và năm 1945 ông trốn sang hàng ngũ Việt Minh. Ông tham gia huấn luyện quân sự, rồi được phong hàm Đại tá. Ông đã sát cánh bên các đồng đội Việt Minh cho đến tháng 9 năm 1950 rời Việt Nam về Vienna rồi qua đời năm 1994 tại đó.

Cuộc đời ông mang bản chất của một người chiến sĩ đấu tranh vì tự do. Ông là chứng nhân lịch sử của nước Áo giai đoạn 1930. Chính ông bị xua đuổi kép vì vừa là người Do Thái vừa là đảng viên Cộng sản, đã bị bỏ tù nhiều lần rồi cuối cùng lưu lạc đến Việt Nam, ở lại và đấu tranh vì nền độc lập của nước này.  

Ernst Frey trước khi rời khỏi Vienna


Cuốn sách kể lại hai giai đoạn rõ rệt trong cuộc đời ông.

Phần đầu tính từ ngày Ernst Frey còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Chuyện bắt đầu từ khi Ernst Frey còn là một cậu bé sống với mẹ, còn người cha phải ra trận trong thế chiến lần thứ nhất. Ernst Frey đã sớm giác ngộ, nhận ra những điều tồi tệ của chế độ Áo thời đó, nên tích cực hoạt động trong Hội thanh niên trung học Xã hội chủ nghĩa.

Chính vì hành động dán băng rôn, khẩu hiệu suốt dọc đường từ nhà đến trường mà Ernst Frey đã bị cảnh sát bắt giam lần thứ nhất, khi vẫn còn là một cậu học sinh. Năm 1934 Ernst Frey gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Trong con đường hoạt động của mình, ông nhiều lần bị chế độ phát xít giam giữ. Nhờ gặp lúc thay đổi chế độ mà Ernst Frey được ra khỏi nhà tù. Nhưng vốn sinh ra đã là người Do Thái nên không có quyền sống trên quê hương mình, tức thành phố Vienna, thủ đô nước Áo, khi bọn Quốc xã lên cầm quyền, sát nhập Áo vào Đế chế Đức dưới thời Hitler. Để giữ mạng sống, Ernst Frey chỉ còn cách trốn ra nước ngoài.

Phần thứ hai là từ tháng 4/1938, trên đường trốn chạy sang Thụy Sĩ, Ernst Frey lại bị cảnh sát Áo bắt và giam giữ nhiều tháng. Khi được trả lại tự do, Ernst Frey lại vượt biên thành công sang Thụy Sỹ rồi đến Pháp với mục tiêu tham gia Binh đoàn Quốc tế trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Nhưng ông lại đầu quân cho Đội quân Lê Dương và được điều động đến Algeria. Đến năm 1941, Ernst Frey tình nguyện sang Đông Dương.

Vốn là đảng viên Đảng cộng sản Áo nên Ernst Frey đã tìm cách bắt liên lạc với Đảng cộng sản Đông Dương khi Đảng còn hoạt động bí mật trong thời kỳ trước năm 1945. Thời gian đóng quân ở Việt Trì, ông đã thành lập chi bộ Cộng sản ngay trong doanh trại. Nhưng rồi do Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, ông và các bạn trở thành tù binh của Nhật, bị đưa lên vùng rừng núi Tuyên Quang để đào đắp, xây dựng phòng tuyến quân sự dưới sự cai quản hà khắc của binh lính Nhật.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nước Nhật đại bại, Cách mạng tháng Tám thành công, trở về Hà Nội, Ernst Frey chạy sang hàng ngũ Việt Minh, gặp lại đồng chí Trường Chinh mà ông đã làm quen từ trước, rồi qua đó gặp được các đồng chí khác trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Từ đó, ông mang tên Việt Nam là Nguyễn Dân, được Đảng phân công làm nhiều việc khác nhau như ra báo tiếng Pháp, huấn luyện quân sự cho bộ đội Việt Minh, làm tuyên truyền viên, vận động cho đợt tổng tuyển cử đầu tiên sau khi nước Việt Nam dành được độc lập, làm phó cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh phụ trách Khu 6, đóng quân ở thị xã Quảng Ngãi, chỉ huy trận đánh Pháp trên đèo An Khê.

Những chiến sĩ quốc tế với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam ở Việt Bắc. Từ trái sang: Dương Bạch Mai, Frey (Nguyễn Dân), Trường Chinh, Lê Văn Lương, Wachter (Hồ Chí Thọ), Schroder (Lê Đức Nhân)

Hàng ngồi, từ trái qua phải: Đồng chí Phạm Văn Đồng, Erwin Borchers, Ernst Frey, đồng chí Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà (phu nhân đồng chí Võ Nguyên Giáp)

Ernst Frey tức Đại tá Nguyễn Dân . Người bên cạnh là Nguyễn Văn Cầu ( cần vụ, thông dịch viên )


Năm 31 tuổi, ông được phong hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, ra hoạt động ở Việt Bắc, giữ nhiều chức vụ cao trong chính quyền Việt Minh cho đến ngày ông được Đảng và Chính phủ Việt Nam tổ chức hồi hương về Vienna vào tháng 9/1950 và sống cho đến năm 1994 thì mất tại đó.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ernst Frey năm 1950


“Đồng chí Nguyễn Dân  thân mến,
Tôi lấy làm tiếc là lúc tạm biệt tôi không bắt tay được với đồng chí. Nhưng dù đồng chí ở đâu đi nữa thì tôi vẫn tin chắc chắn rằng đồng chí sẽ dùng tất cả những gì trong tay mình để phục vụ sự nghiệp chung của chúng ta.
Tôi chúc đồng chí lên đường thượng lộ bình an và mạnh khỏe.
Hồ Chí Minh, 25/8/1950”

“… đất nước duy nhất mà vì nó, tôi sẵn sàng hy sinh cả máu mình”.

Qua cuốn sách, Ernst Frey kể lại chuyện đời mình bằng bút pháp chân thực, đầy ắp sự kiện trong suốt một thời gian dài từ đầu những năm 1930 cho đến cuối năm 1950, quãng thời gian 13 năm lưu lạc. Đó là một quá trình chuyển biến nhận thức từ một cậu bé hồn nhiên, vô tư cho đến lúc đã trở thành đảng viên Cộng sản khi còn khá trẻ, rồi trở thành một người đàn ông trưởng thành ở tuổi 37.

Trong cuốn sách, Ernst Frey không hề giấu giếm những ưu, khuyết điểm của bản thân, cũng bộc lộ tình cảm và suy nghĩ cá nhân mình đối với một số vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta và nhiều vấn đề trọng đại của nước Việt Nam trong những ngày nước sôi lửa bỏng sau Cách mạng tháng Tám hay trong giai đoạn đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau khi về nước, Ernst Frey mất liên lạc với phía Việt Nam cho đến năm 1991, khi Đại sứ quán Việt Nam được đặt tại Vienna.

"… Tất cả tình yêu mà tôi dành cho Việt Nam và dân tộc này, ở chừng mực nào đó, tập trung vào cá nhân đồng chí, và sự chân thành của đồng chí đã làm tôi vui sướng biết bao. Đối với tôi thì Việt Nam, dẫu có những khó khăn về ngôn ngữ, là quê hương mình mà năm 1950 tôi phải để lại. Đó cũng là đất nước duy nhất mà vì nó, tôi sẵn sàng hy sinh cả máu mình".

(Ernst Frey, thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 1992)


Cuốn tự truyện của Ernst Frey còn cung cấp cho người đọc một lượng thông tin đồ sộ, nhiều mặt, khách quan về những biến cố quan trọng trong lịch sử nước ta dưới nhãn quan của một người châu Âu trực tiếp tham gia vào các sự kiện đó. Yếu tố khách quan này cũng góp phần làm nên sức hút của cuốn hồi ký “Việt Nam, tình yêu của tôi”./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên