Hội Phụ nữ là lực lượng nòng cốt phòng chống bạo lực gia đình

Tình trạng bạo lực đang xảy ra với nhiều các hình thức phức tạp, trong số đó hành vi “chồng mắng chửi, đánh đập vợ” là phổ biến nhất.  

Nghiên cứu trên 500 người tại Hà Nội và 4 tỉnh, thành phố khảo sát khác là Yên Bái, Hà Nam, Đà Nẵng, TP HCM đã đưa ra những kết quả, gần 90% số người được hỏi trả lời là “có nghe nói đến Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ)”, trong đó tỉ lệ nam giới là 91,3%, cao hơn tỉ lệ nữ không nhiều (88,4%).

Như vậy, sau gần 2 năm thực hiện Luật (1/7/2008), tình trạng bạo lực vẫn đang xảy ra với nhiều các hình thức phức tạp, trong số đó hành vi “chồng mắng chửi, đánh đập vợ” là phổ biến nhất. Hơn một nửa số người được hỏi đã giải thích rằng “không có ai can ngăn trong vụ BLGĐ vì “người ta coi đấy là việc riêng của gia đình”. Tỉ lệ số người được nhận biết đúng hành vi bạo lực gia đình là khoảng 72% tức là cứ 4 người có gần 3 người nhận biết đúng hành vi. Cả 4 tỉnh, thành phố đều đưa ra nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến bạo lực gia đình là “Nghiện rượu, bia”. Bên cạnh đó, “nghèo đói, thất nghiệp”, “ham mê cờ bạc, số đề” hay “nóng tính” cũng được đề cập tới rất nhiều.

Ở Việt Nam, tình trạng cha mẹ đánh hoặc mắng con không phải là hiếm, thậm chí còn phổ biến. 43,8% số người được hỏi trả lời “đồng ý” với nhận định rằng: “Cha mẹ có quyền dùng roi vọt dạy con” và chỉ có 29% trả lời ”không đồng ý”. 1/5 số người được hỏi đã đồng ý với ý kiến rằng ”Cha mẹ có quyền đánh đập con” nhưng 47,6% tỏ ra “không đồng ý” với ý kiến này.

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Đánh giá việc thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình” vừa diễn ra đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Hội Phụ nữ trong công tác phòng chống bạo lực gia đình hiện nay ở các địa phương. Cùng với tổ dân phố và tổ hòa giải thực hiện, tổ phụ nữ ở địa phương được đánh giá là tham gia nhiều nhất và có hiệu quả nhất. Điều này thể hiện rõ ở việc cán bộ của hội phụ nữ luôn có mặt sớm nhất, kịp thời nhất và tiếp cận, xử lý các vụ BLGĐ nhanh nhất, có hiệu quả nhất, hợp tình hợp lý nhất.

Tuy nhiên, phòng chống BLGĐ hiện nay gặp phải rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí, nguồn lực và năng lực cần thiết. Đối với phòng, chống BLGĐ, chỉ tuyên tuyền, giáo dục thì chưa đủ; nhưng biện pháp xử phạt hành chính cũng chưa có hiệu lực ngăn chặn do mang tính chất đối phó và trên thực tế cũng rất khó thực hiện có hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên