Hội thảo Hoàng Sa–Trường Sa: Sự thật lịch sử
VOV.VN - Hội thảo diễn ra trong hai ngày 20-21/6 tại TP Đà Nẵng do Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Phạm Văn Đồng đồng tổ chức.
Hội thảo “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” sẽ có sự tham gia của hơn 100 học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam.
Đây là hoạt động tiếp nối Hội thảo “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Các khía cạnh lịch sử và pháp lý” được tổ chức vào tháng 4/2013 tại Quảng Ngãi.
Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Thực tế tranh chấp của hai quần đảo; tác động đối với hòa bình và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ góc độ luật quốc tế; Triển vọng, giải pháp giải quyết tranh chấp đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bao gồm các giải pháp quá độ như hợp tác cùng phát triển, hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm... tại các khu vực tranh chấp.
Toàn cảnh hội thảo
Phiên 1 của hội thảo sẽ diễn ra ngày 20/6 xoay quanh nội dung: Sự thật tranh chấp ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực dưới sự chủ tọa của PGS,TS. Trần Văn Nam, GS. Carl Thayer, TS. Nguyễn Hùng Sơn. Trong phiên này sẽ có 10 tham luận: Vấn đề địa chính trị liên quan đến Hoàng Sa và vai trò của luật pháp quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác của GS. Carl Thayer; Câu chuyện về đường 9 đoạn: Quá khứ, hiện tại và tương lai của Daniel Schaeffer. Ông Jerome Cohen sẽ có tham luận về “Cuộc chiến pháp lý hay cuộc chiến quân sự? Hãy để cơ chế tòa án làm dịu các tranh chấp ở châu Á”. Đại biểu Julie Nguyễn có tham luận đáng chú ý nhan đề: “Từ lịch sử thế kỷ 20 đến địa chính trị hiện tại: Hướng tới hợp tác và cùng phát triển trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa vì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới”.
Phiên 2 sẽ diễn ra vào chiều cùng ngày xoay quanh chủ đề “Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế” dưới sự chủ tọa của PGS.TS Phạm Đăng Phước, GS. Erik Franckx và TS. Vũ Hải Đăng. Phiên này các tham luận sẽ tập trung thảo luận về 2 vấn đề: “Các bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” qua các tư liệu lịch sử và “Giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế” bàn về tính hợp pháp trong yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thảo, ngày 21/6 các đại biểu sẽ tham dự buổi Tọa đàm về sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cùng ngày, Triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa với chủ đề “Hoàng Sa- Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” sẽ được khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng. Triển lãm trưng bày các tư liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố, là những bằng chứng lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ nay.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng sẽ thu xếp một số các hoạt động tham quan và gặp gỡ nhân chứng cho các đại biểu tham dự Hội thảo./.