Hội thảo quốc tế về sông Mê Kông
Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết của việc cân bằng giữa phát triển kinh tế của mỗi quốc gia liên quan với sự ổn định và bền vững của toàn khu vực
Chiều 11/4, tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý nguồn nước sông Mê Kông – Lợi ích quốc gia hay lợi ích khu vực?”.
Hội thảo do Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia tổ chức với sự góp mặt của nhiều học giả, nhà nghiên cứu của Campuchia và quốc tế, cùng sự tham gia của các nhà ngoại giao nước ngoài tại Campuchia.
Các đại biểu đều khẳng định tầm quan trọng đặc biệt về mặt kinh tế, sinh thái của dòng sông Mê Kông đối với các nước cùng chia sẻ những nguồn lợi to lớn từ dòng sông dài hơn 4.400km này, gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Trên cơ sở đó, các đại biểu bày tỏ sự lo ngại về một số dự án thủy điện đang có kế hoạch triển khai tại khu vực hạ nguồn sông Mê Kông, mà chưa qua các giai đoạn đánh giá toàn diện và đầy đủ về những tác động tiêu cực từ các dự án này đối với môi trường sinh thái, nguồn nước phục vụ nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản.
Các đại biểu nhấn mạnh, khi triển khai các dự án khai thác nguồn lợi sông Mê Kông, đặc biệt là các dự án thủy điện, mỗi quốc gia trong khu vực cần tuân thủ các nguyên tắc của Thỏa thuận sông Mê Kông năm 1995 là: “Bền vững, Tối ưu và Công bằng”.
Bà Maria Larsson, một chuyên gia nghiên cứu của Thụy Điển tham dự hội thảo khẳng định: “Tôi nghĩ điều quan trọng, nếu như không nói là bắt buộc, để tương đồng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực trong việc khai thác nguồn lợi từ sông Mê Kông là mỗi nước phải biết đặt lợi ích và sự ổn định của toàn khu vực lên trên hết, với tầm nhìn dài hạn. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua sự hợp tác và hội nhập khu vực rộng rãi, đặc biệt là sự chia sẻ các kết quả cũng như số liệu nghiên cứu liên quan đến dòng sông giữa các nước, trên cơ sở minh bạch và đúng thủ tục”./.