Hội thảo trực tuyến đầu tiên về nguồn nhân lực y tế
Thực tế cho thấy nguồn nhân lực y tế đang là vấn đề nổi cộm cần được giải quyết của ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển.
Ngày 23/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Viettel tổ chức hội thảo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế năm 2009.
Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức hội thảo trực tuyến với cả 63 tỉnh, thành phố về vấn đề này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế cần 3 điều kiện là: nguồn nhân lực, thuốc và trang thiết bị. Trong đó, thuốc và trang thiết bị chỉ cần có kinh phí là có thể thực hiện được, nhưng về nhân lực thì cần có thời gian vì đây là ngành đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt.
Thực tế cho thấy nguồn nhân lực y tế đang là vấn đề nổi cộm cần được giải quyết của ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển.
Vấn đề chuyển dịch hay chảy máu chất xám nguồn nhân lực y tế, từ công lập ra ngoài công lập; người học xong không trở về địa phương để làm việc đang ngày một gia tăng và phổ biến. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực y tế cũng thiếu về chất lượng; các chuyên khoa đào tạo kém thu hút học viên như: Khoa Nhi, Khoa y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS…
Chính vì vậy, ngành y tế cần phải tăng qui mô đào tạo bằng cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở rộng các loại hình đào tạo; đào tạo theo ê-kíp chuyển giao công nghệ và đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Còn theo Gs.Ts Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo: Bình quân cả nước có khoảng 6,5 bác sĩ/10.000 dân, tuy nhiên sự phân bố nguồn nhân lực không đồng đều giữa các khu vực như: ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có 2,11 bác sĩ/10.000 dân, trong khi có nhiều tỉnh ở khu vực khác lại có tới 9 bác sĩ/10.000 dân. Số học sinh, sinh viên ra trường tăng nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm việc làm.
Đáng chú ý là nhiều tỉnh có chỉ tiêu cử tuyển nhưng lại không chọn được người đi học hay cử đi nhưng không đạt yêu cầu của các trường; riêng hình thức đào tạo trung cấp theo hệ cử tuyển thì chưa có một tỉnh, thành phố nào có báo cáo về Bộ.
Tại hội thảo trực tuyến, đại diện tỉnh Lai Châu cho biết: hiện nay, tỉnh chỉ có 3,5 bác sĩ trên 1 vạn dân; 98 xã chưa có bác sĩ và hiện chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế; đặc biệt nhiều bác sĩ ở cơ quan nhà nước đang có xu hướng chuyển ra y tế tư nhân. Nguyên nhân chính là do chỉ tiêu đào tạo phân bổ cho các trường y tế trong cả nước là quá ít; nhiều sinh viên khi tốt nghiệp không có việc làm nhưng cũng không tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn...
Tỉnh Lai Châu kiến nghị: tăng cường nguồn nhân lực y tế về số lượng bằng cách giao chỉ tiêu cho cả nước, nhất là người dân tộc, con em gia đình khó khăn; có chế độ qui định nhiệm vụ, trách nhiệm của sinh viên khi ra trường. Đặc biệt, chú trọng quản lý bệnh viện tư nhân bằng cơ chế đóng tiền cho nhà nước khi sử dụng các cán bộ y tế đã qua đào tạo tại các trường đại học của nhà nước; khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia học tại một số ngành như: y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, khoa Nhi…
Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề xuất một số giải pháp như: các trường đại học cần quản lý chặt chẽ ngay từ chất lượng đầu vào và trong suốt quá trình đào tạo. Đối với hình thức đào tạo theo địa chỉ, ngoài việc ký cam kết giữa gia đình và UBND tỉnh, các trường đại học không nên trao bằng và chứng chỉ trực tiếp cho sinh viên mà gửi về cho UBND tỉnh quản lý tránh tình trạng các em không quay trở về địa phương làm việc. Đồng thời tăng cường đào tạo quản lý nhà nước, quản lý ngành cho các cán bộ y tế và đào tạo chuyên sâu bác sỹ chuyên khoa cấp I và chuyên khoa cấp II cho các bác sĩ tại địa phương.
Đại diện tỉnh Đắk Nông kiến nghị cần tăng chỉ tiêu đào tạo theo hình thức xét tuyển theo địa chỉ và đào tạo sau đại học; xây dựng cơ chế cho bác sĩ sau khi tốt nghiệp phải có nghĩa vụ đi công tác tại cơ sở ít nhất là 2 năm.../.