Hội thảo về việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn
Ông John Hendra, điều phối viên LHQ: Sự phát triển kinh tế ở Việt Nam là một câu chuyện thành công vượt bậc. Việc sửa đổi trong 2 luật này cần quán triệt các nguyên tắc cơ bản của quan hệ lao động hài hoà, đối thoại xã hội và hợp tác ba bên.
Sáng 1/4/2010, tại Hà Nội, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội thảo Quốc gia “Tương lai của quan hệ lao động và việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn”.
Hội thảo đề cập đến 3 yếu tố quan trọng trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn. Đó là: Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và xây dựng một hệ thống quan hệ lao động hiệu quả và phù hợp với nền kinh tế; những sửa đổi dự kiến trong dự thảo luật được đặt trong hoàn cảnh của từng bên - Chính phủ, công đoàn và người sử dụng lao động; nội dung sửa đổi trong Bộ Luật Lao động liên quan đến những vấn đề mấu chốt như: việc làm, tiêu chuẩn lao động và điều kiện làm việc và tác động của những sửa đổi này đối với quan hệ lao động tại Việt Nam.
Hội thảo diễn ra vào thời điểm quan trọng khi dự thảo Bộ Lao động sửa đổi và Luật Công đoàn sửa đổi đã và đang được thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến tham gia của các chủ thể có liên quan trước khi trình lên các Uỷ ban của Quốc hội để thẩm định, thảo luận cho ý kiến trước khi chính thức thông qua.
Bộ Luật Lao động hiện nay của Việt Nam được thông qua vào năm 1994, có hiệu lực từ tháng 1/1995 và một số chương, điều đã được sửa đổi 3 lần vào năm 2002, 2006 và năm 2007. 15 năm qua, Bộ Luật Lao động cùng với hệ thống các luật khác đã tạo nên hành lang luật pháp cần thiết để quản lý và vận hành nền kinh tế đang trong thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường và hội nhập.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, ông Nguyễn Thanh Hòa nêu rõ: “Để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả đã đạt được trong những năm qua và giải quyết những thách thức đã, đang và sẽ phát sinh trong lĩnh vực quan hệ lao động trong thời gian tới, các vấn đề về luật pháp, chính sách về quản hệ lao động cần có những điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Hiện nay, Bộ Luật Lao động cùng với Luật Công đoàn đang trong quá trình thảo luận để sửa đổi, trong đó nội dung về quan hệ lao động là một trong những nội dung được sự chú ý nhiều nhất của xã hội”.
Hội thảo cũng đề cập các vấn đề về quan hệ lao động nảy sinh trong những năm gần đây, việc xây dựng quan hệ lao động sao cho hài hòa để phù hợp với một nền kinh tế thị trường Việt Nam. Nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề đình công tự phát, vấn đề làm thế nào tăng cường sức mạnh của công đoàn để có đủ năng lực đại diện cho người lao động. Ông Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh: “Việc thiết lập khung pháp lý hiệu quả hơn để người lao động và người sử dụng lao động có thể đối thoại và thương lượng, và nâng cao năng lực của cả hai bên trong bối cảnh kinh tế liên tục thay đổi, thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp lao động một cách hiệu quả”.
Cũng tại hội thảo, Giám đốc điều hành, phụ trách khối Tiêu chuẩn lao động, các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc (ILO), ông Kari Tapiola nhấn mạnh: “Quan hệ lao động hài hòa là đặc điểm mấu chốt của các nền kinh tế chuyển đổi thành công, và Việt Nam đang tiến tới xây dựng mô hình quan hệ lao động của riêng mình. Trọng tâm của việc xây dựng một hệ thống lao động bền vững là đảm bảo và khuyến khích tổ chức đại diện thực chất và độc lập của người lao động và người sử dụng lao động”./.