Hơn 30% phụ nữ bị bạo lực do chồng gây ra

Đã có 60% người dân biết đến Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên bạo lực gia đình vẫn tăng và diễn biến phức tạp.

Nhân kỷ niệm Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), sáng 23/11, tại Hà Nội, Văn phòng LHQ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách về Tăng cường các giải pháp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam.

Thời gian qua, tại Việt Nam công tác phòng chống bạo lực gia đình đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội dân sự, song tình hình bạo lực gia đình nói chung và bạo lực với phụ nữ nói riêng vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng Cục thống kê và LHQ tại Việt Nam thực hiện thì cứ 3 phụ nữ đã từng kết hôn thì có 1 người, tức là hơn 30% cho biết đã từng bị bạo lực do người chồng gây ra. 9 tháng năm 2011, đã có hơn 30.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó có gần 15.000 vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Bạo lực gia đình, bạo lực phụ nữ là vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi sự chung tay góp sức cùng nhau tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình. Chúng tôi đang xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong thời gian tới, cùng nhau thực hiện tốt Luật phòng, chống bạo lực gia đình”.

Tại buổi đối thoại, nhiều đại biểu cho rằng, cần có chế tài giám sát để đảm bảo việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình được đi vào thực tiễn. Đồng thời, điều tra, khảo sát cập nhật thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền để những người là nạn nhân của bạo lực mạnh dạn nói lên câu chuyện của mình, qua đó tìm được những giải pháp thích hợp. Không chỉ cần có biện pháp hỗ trợ nạn nhân mà cần phải hỗ trợ những người có hành vi bạo lực để từ đó giải quyết được tận gốc vấn đề.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam cho rằng, để chấm dứt bạo lực với phụ nữ thì Việt Nam còn nhiều việc phải làm: “Thứ nhất, chúng ta phải đưa ra cơ chế, lập kế hoạch giám sát và đánh giá nhằm biến luật thành hành động; xây dựng cách tiếp cận toàn diện, không chỉ tập trung vào vấn đề bạo lực gia đình mà mở rộng ra cả các vấn đề xã hội khác. Đồng thời cần triển khai cung cấp các gói dịch vụ tối thiểu bao gồm các sáng kiến phòng ngừa bạo lực và các dịch vụ cho nạn nhân và người gây bạo lực. Cũng cần tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác phòng ngừa và giải quyết bạo lực”.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu cùng nhau ký cam kết hành động để chấm dứt bạo lức đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên