Hơn 8.900 cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo nâng cao năng lực
VOV.VN - Dự án HPET là một trong các dự án lớn trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Bộ Y tế. Hơn 8.900 cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo từ Dự án này.
Trong hai ngày (6-7/3), Bộ Y tế, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội nghị “Tổng kết các hoạt động hỗ trợ cho đề án phát triển mạng lưới Y tế cơ sở bằng nguồn vốn Viện trợ của Liên minh Châu Âu thông qua dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực Y tế Phục vụ Cải cách Hệ thống Y tế” (Dự án HPET).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định Dự án HPET là một trong các dự án lớn trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Bộ Y tế với mục tiêu tổng thể là "Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực y tế, quản lý y tế và tăng cường năng lực chăm sóc sức khoẻ ban đầu". Hợp phần 3 của dự án tập trung vào các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu thông qua đào tạo đội ngũ cán bộ công tác tại trạm y tế xã bao gồm các đối tượng bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược, cán bộ quản lý trạm y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau gần 2 năm tích cực triển khai các hoạt động từ nguồn vốn viện trợ của Liên minh Châu Âu uỷ thác qua Ngân hàng Thế giới về tăng cường năng lực công tác CSSKBĐ thuộc Hợp phần 3, dự án HPET đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp đáng kể cho việc triển khai đề án "xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 2348) đặc biệt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực CSSKBĐ theo định hướng y học gia đình để phục vụ triển khai đề án.
Ông Antonio Recca, Trưởng ban Tài Chính, Phái đoàn Liên minh châu Âu. |
Bộ Y tế đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu cho ngành y tế Việt Nam trong những năm vừa qua thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các chương trình hỗ trợ ngân sách ngành y tế giai đoạn I, II trong đó Quỹ uỷ thác của Liên minh Châu Âu cho dự án HPET là một trong những nội dung trong chương trình hỗ trợ ngân sách ngành này.
“Các đóng góp của Liên minh Châu Âu đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện các chính sách ưu tiên của Bộ Y tế tập trung vào việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở và cải thiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới để tiếp tục phát triển hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, công bằng, hiệu quả cho người dân Việt Nam”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Tại hội nghị, ông Antonio Recca, Trưởng ban Tài Chính, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong 5 lĩnh vực: tăng cường bảo hiểm y tế, tăng tiếp cận công bằng và chất lượng dịch vụ; giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện; tăng cường hệ thống y tế cơ sở; và tăng cường hệ thống thông tin về sức khoẻ. Từ năm 2013, EU đã hỗ trợ Bộ Y tế tổ chức các diễn đàn về chất lượng bện viện, nhằm tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định và những người thực hiện chính sách cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm ra khó khăn để giải quyết.
“Trong 5 năm qua, chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Bộ Y tế, các bệnh viện công và tư trong việc cải thiện hệ thống chăm sóc y tế. Liên minh châu Âu với vai trò là nhà tài trợ y tế lớn nhất tại Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ với các dự án tăng cường hệ thống y tế tại Việt Nam”- ông Antonio Recca cho biết.
Bà Keiko Inoue (trái), Giám đốc phát triển nguồn nhân lực, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. |
HPET đã triển khai khảo sát nhu cầu, xây dựng chương trình/tài liệu đào tạo liên tục đội chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) theo nguyên lý Y học Gia đình; Đào tạo đội ngũ giảng viên; Đào tạo đội ngũ cán bộ đang làm việc tại trạm y tế xã; Hỗ trợ triển khai 26 trạm Y tế xã/phường theo mô hình điểm của BYT; Truyền thông về tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến y tế cơ sở…
Dự án đã đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Sáu chương trình đào tạo cho đội CSSKBĐ theo nguyên lý Y học Gia đình đã được xây dựng và cập nhật. Toàn bộ các tỉnh thụ hưởng dự án HPET đã hoàn thành các khóa đào tạo giảng viên theo kế hoạch.
Bà Keiko Inoue, Giám đốc phát triển nguồn nhân lực, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết: Khi tôi đến Việt Nam năm 2017, tôi rất ấn tượng với Dự án HPET tại Việt Nam. “Ban đầu dự án triển khai còn chậm, nhưng với nỗ lực của Bộ Y tế, Liên minh châu Âu và Ngân hàng thế giới, dự án đã có bước tiến vượt bậc”- bà Keiko nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tặng hoa các đại diện của EU và WB. |
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. |
Hơn 8.900 cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo nâng cao năng lực, bao gồm hơn 1.100 giảng viên và 7.800 cán bộ trạm Y tế (TYT) xã, cơ bản đạt được các chỉ tiêu đào tạo cam kết với nhà tài trợ. Bên cạnh đào tạo, dự án còn hỗ trợ triển khai 26 trạm Y tế xã/phường mô hình điểm thông qua các hướng dẫn về sơ đồ công năng, danh mục trang thiết bị, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập, theo dõi, giám sát… Các hoạt động này đã tạo nền tảng cho những can thiệp tiếp theo của ngành y tế nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.
Trong công tác truyền thông, HPET đã sử dụng nhiều kênh khác nhau như truyền hình, truyền thanh tiếng Kinh và tiếng các dân tộc thiểu số, báo điện tử, triển lãm ảnh, sinh hoạt cộng đồng... để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, các thành tựu và tác động của quá trình đẩy mạnh phát triển hệ thống CSSKBĐ lên sức khỏe người dân Việt Nam. Các sản phầm truyền thông cũng làm rõ những thách thức mà dự án gặp phải và hỗ trợ hiệu quả cho quá trình nâng cao năng lực của hệ thống CSSKBĐ, đồng thời nêu bật vai trò và những đóng góp của Liên minh châu Âu và Ngân hàng Thế giới.
Năm 2019, HPET tiếp tục cập nhật tài liệu giảng dạy cho các trường ĐHYD; đào tạo tại chỗ về các bệnh không truyền nhiễm; đánh giá hoạt động của đội CSSKBĐ sau khi tham gia đào tạo; nâng cấp công nghệ thông tin để đẩy mạnh việc quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân./.
Dự án HPET là một trong các dự án lớn trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Bộ Y tế với mục tiêu tổng thể là “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực y tế, quản lý y tế và tăng cường năng lực chăm sóc CSSKBĐ”.
Liên minh Châu Âu đã đóng góp một khoản ngân sách là 8.300.000 EUR thông qua Quỹ ủy thác cho Ngân hàng Thế giới để thực hiện các hoạt động thuộc Hợp phần 3 của dự án trong 2017-2018, về nâng cao năng lực CSSKBĐ tại 10 tỉnh dự án bao gồm Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông.
Bộ trưởng Y tế: Năm 2019, đẩy mạnh CSSK ban đầu cho người dân