Hồn Tết xưa có còn vẹn nguyên trong Tết hiện đại?
VOV.VN - Tết xưa vẫn hiện diện trong mỗi gia đình, trong tình cảm của người với người, trong cách suy nghĩ và đón Tết. Người đi xa về gần đều muốn được sum vầy, đoàn tụ bên gia đình, hướng về ông bà tổ tiên. Ấy là cái hồn của Tết xưa còn lưu giữ ngàn đời nay.
Xã hội ngày càng đổi thay, nhịp sống vội vã, cũng bởi vậy mà Tết hiện đại cũng dần khác xưa. Nhiều gia đình không còn gói bánh chưng, không ăn Tết ở nhà, mà đi du lịch đây đó. Cũng nhiều người nghĩ Tết đã bớt vui, còn lại nhiều hơn là những lo toan bộn bề, vội vã của cuộc sống, của những công việc cuối năm, chuẩn bị Tết nội, Tết ngoại. Nhiều người thích nghỉ Tết chỉ để… ngủ bù. Và rồi, nhiều người cho rằng, Tết nay đã nhạt hơn Tết xưa.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện cùng VOV.VN trước thềm năm mới Tân Sửu 2021 về Tết xưa và nay cũng như cách đón Tết văn minh mùa Covid-19.
PV: Thưa ông, là một người nghiên cứu về văn hóa, đồng thời đã đi qua hơn 70 cái Tết, ông có cảm nhận gì về Tết xưa và nay, ông nghĩ sao về quan niệm Tết nay đang nhạt, thưa ông?
TS Nguyễn Viết Chức: Một số người hoài cổ cho rằng Tết nay đang phai nhạt dần, muốn tìm về một cái Tết như xưa kia. Nhưng tôi lại nghĩ rằng cái hồn cốt của Tết xưa vẫn đang tồn tại trong mỗi gia đình. Đó là tình cảm của người với người mỗi dịp Tết đến xuân về, là suy nghĩ, cách đón Tết. Người đi xa về gần ngày này đều muốn sum họp bên gia đình, đoàn viên sau 1 năm làm ăn vất vả. Tết của người Việt là Tết hướng nội, Tết của gia đình. Mỗi nhà có 1 nồi bánh chưng, bánh tét, cành đào, cành mai vàng, ai cũng muốn trang hoàng cho ngôi nhà mình đẹp hơn, tươm tất hơn. Tết xưa và nay đều vậy.
Ngày nay, xã hội phát triển, giới trẻ có thể di du lịch chỗ này chỗ kia thay vì ở nhà đón Tết, hay có gia đình còn gói bánh chưng, dựng cây nêu ngày Tết, có nhà đã không còn làm nữa, chọn cách mua cho nhanh gọn. Trải qua hơn 70 cái Tết, với tôi, Tết mỗi năm mỗi khác. Chúng ta không thể có Tết nay giống hệt với Tết xưa, nhưng những nét xưa vẫn còn đó, trong tâm khảm mỗi con người. Đa phần mọi người đều hiểu mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. Ngày Tết ai cũng hoan hỉ, dẹp bỏ những lo âu phiền muội, những xích mích, sân si thường ngày, để cầu mong cho gia đình và những người xung quanh năm mới với những điều tốt đẹp. Những tục chúc Tết, lì xì ngày Tết, đi chùa đầu năm, du xuân vẫn còn được giữ nguyên đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, khi kinh tế thị trường phát triển, một số tục xưa cũng dần biến đổi. Một số lễ hội ngày Tết, ngày xuân không còn giữ nguyên giá trị tốt đẹp ban đầu. Xưa nhiều lễ hội dân gian có các trò cướp, mang ý nghĩa diễn lại tục xưa, nhưng ngày nay, nhiều lễ hội trở thành tranh cướp thật. Hàng ngàn người lao vào tranh cướp, đấm đá nhau quyết liệt có khi đến mức đổ máu để mong có được lộc thánh. Muốn có lộc, trước hết phải hành xử thiện tâm. Thông qua các trò diễn, các lễ hội, ông cha ta muốn gửi gắm các giá trị nhân văn, ý nghĩa giáo dục trong đó, nhưng nay lại đang dần bị biến tướng.
Hay tục lì xì ngày Tết, xưa các cụ buôn bán nhỏ, thường ngày nhận được đồng hào mới sẽ đem vuốt thật phẳng để dành đến Tết mừng tuổi cho con cháu. Hay trước đây, tiền lì xì thường là đồng 500 đồng màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, thành công, vui tươi, người cho và người nhận đều không quan trọng mệnh giá đồng tiền là bao nhiêu. Nhưng ngày nay, đôi khi người ta lại chỉ để ý đến số tiền lì xì nhiều hay ít mà quên đi ý nghĩa sâu xa trong đó.
Những phong tục xưa nên gìn giữ, những văn minh mới nên tiếp nhận. Không phải cái mới nào cũng kệch cỡm, cái cũ nào cũng hay. Chúng ta cần gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp và tiếp nhận những cái mới tinh hoa, văn minh.
PV: Việt Nam đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, có sự giao thoa, giao lưu văn hóa từ nhiều nước khác nhau, liệu quá trình này có làm “nhạt” đi những yếu tố truyền thống trong cái Tết của người Việt nói riêng và văn hóa người Việt nói chung không, thưa ông?
TS Nguyễn Viết Chức: Nhiều người nói tôi lạc quan, nhưng tôi cho rằng, chẳng bao giờ có thể mất đi văn hóa truyền thống. Những gì đã là đẹp rất khó phai nhạt, con người đủ thông minh để chọn lọc và học hỏi những cái hay cái đẹp bên ngoài nhưng vẫn giữ được bản sắc của mình. Nhìn lại lịch sử, dân tộc ta đã trải qua nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm là thuộc địa của thực dân. Trong quá trình đó, không phải chỉ có giao lưu mà là cưỡng bức văn hóa bằng mọi cách, nhưng cuối cùng, văn hóa Việt vẫn là văn hóa Việt. Người Việt đủ sức chịu đựng và thông minh để là chính mình. Văn hóa có những quy luật riêng của nó, không nền văn hóa nào tránh khỏi sự giao thoa văn hóa, nhưng cũng không thể cưỡng ép việc giao thoa ấy. Người Việt xưa nay vẫn rất giỏi trong việc tiếp nhận và hài hòa.
Chúng ta đừng sợ văn hóa Việt Nam mất đi bản sắc, hiện nay, văn hóa Việt cũng đã đi ra nước ngoài, được nhiều bạn bè quốc tế biết đến và yêu thích. Các nước bạn thích mặc áo dài, nón lá, ăn món ăn Việt Nam. Hay trên thế giới hiện có đến 70 nước, vùng lãnh thổ có hiệp hội Vovinam – võ cổ truyền của Việt Nam. Võ không chỉ là võ, mà ẩn trong đó còn là triết lý sống của người Việt tự ngàn đời nay.
Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay cũng thích nhạc rap, rock … Văn hóa cũng như mọi thứ, không thể bất biến, xã hội vận động, văn hóa cũng sẽ thay đổi cùng dòng chảy thời gian theo những quy luật riêng của nó. Chúng ta không nên quá lo lắng, nhưng cũng không thể buông thả để những giá trị truyền thống tốt đẹp phai mờ.
PV: Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của dịch Covid-19, chúng ta vừa ăn Tết, vừa chống dịch, vậy theo ông, ăn Tết, vui Tết sao cho văn minh, vui nhưng an toàn?
Ông Nguyễn Viết Chức: Trong văn hóa lúa nước, con người tính thời gian theo lịch mặt trăng. Tết là thời điểm kết thúc 1 năm cũ, đón năm mới, tổng kết lại 1 năm làm việc vất vả, mừng mùa màng bội thu. Thực tế, cổ truyền và văn minh chưa bao giờ mâu thuẫn với nhau, có chăng ở chỗ chúng ta chưa phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống, nhưng lại đi lưu giữ những hủ tục như mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn đầu năm linh đình, tốn kém dù kinh tế hạn chế. Nhiều người có tâm lý xin lộc chỗ này, cầu lộc chỗ kia, vào đền chùa, cài tiền lẻ vào tay tượng phật, thường ngày không tu dưỡng những đến Tết lại đi cầu cúng. Đây không phải cổ truyền nhưng cũng chẳng phải văn minh.
Hay mỗi năm, sau Tết đều có những thống kê giật mình số người tai nạn giao thông do liên quan đến rượu bia, các cuộc ẩu đả ngày Tết do vui quá chén. Trong không khí vui Tết vui xuân, cái quan trọng phải giữ được không khí ấm cúng, đoàn tụ, quan tâm lẫn nhau, không xa hoa lãng phí, hình thức…
Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, khi cả xã hội đang nỗ lực khống chế dịch bệnh, mỗi người cần có ý thức phòng chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Những người ở vùng có dịch nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về cách ly theo chuẩn y tế, nhưng cũng cần có sự chia sẻ lẫn nhau để mỗi người dù ở đâu, có thể về quê hay không do dịch bệnh, cũng thấy ấm lòng những ngày Tết.
Tết chỉ trọn vẹn, khi vui, nhưng vẫn an toàn trong mùa dịch bệnh.
PV: Xin cảm ơn ông!/.