Họp hội đồng khoa học thẩm định phác đồ điều trị cúm A/H7N9
(VOV) -Bộ Y tế cũng tiếp tục tổ chức các đoàn đến các địa phương có cửa khẩu, sân bay kiểm tra tình hình phòng chống dịch.
Trước diễn biến dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay (9/4), Bộ Y tế họp hội đồng khoa học để thẩm định phác đồ điều trị cúm A/H7N9.
Bộ cũng tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương có cửa khẩu, sân bay kiểm tra tình hình phòng chống dịch. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng tập trung phòng chống cúm A/H7N9 thì nhiều người dân lại tỏ ra chủ quan trước các dịch bệnh khác. Mới đây, tại Yên Bái đã có 1 ca tử vong vì nhiễm virus cúm A/H1N1 và tại Đồng Tháp, một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm phòng cách ly đề phòng có bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tại sân bay quốc tế Nội Bài |
Chiều qua 8/4, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9. Bộ cũng ban hành Kế hoạch phòng chống dịch cúm H7N9 tại Việt Nam, với 4 kịch bản được đặt ra.Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur Hồ Chí Minh sẵn sàng tiếp nhận mẫu để chẩn đoán xác định cúm A/H7N9.
Hiện tại, các đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ xét nghiệm nhanh loại cúm này đã chuẩn bị phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn, huy động nhân lực và cập nhật thông tin mới về virus cúm. Ông Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Hồ Chí Minh cho biết: "Viện đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thống nhất quy trình xét nghiệm chẩn đoán cúm H7N9 mới. Hiện máy móc đã sẵn sàng, chúng tôi chỉ cập nhật thêm thông tin về chuỗi gen để phát hiện virus cúm. Trong vòng 3 ngày sẽ có kết quả xét nghiệm".
Chiều nay (9/4), đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đi kiểm tra công tác phòng chống cúm A/H7N9 tại sân bay Tân Sơn Nhất và Bệnh viện Nhiệt đới Hồ Chí Minh. Đoàn công tác kiểm tra quy trình phòng chống dịch, huy động nhân lực, trang thiết bị và công tác phối hợp liên ngành phòng chống dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.
Trong khi người dân và các địa phương đang tích cực triển khai phòng chống cúm A/H7N9 thì cuối tháng 3 vừa qua lại có bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1. Bệnh nhân là nam giới, 46 tuổi, ở tỉnh Yên Bái bị cúm A/H1N1 trong tình trạng suy hô hấp nặng sau đó được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng do nhập viện muộn nên bệnh nhân đã tử vong. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy, bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1-cúm đại dịch bùng phát trong năm 2009 và hiện trở thành chủng cúm lưu hành thông thường. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, virus cúm A/H1N1 vẫn tồn tại trong môi trường, đa phần người dân nhiễm cúm đều tự khỏi, nhưng vẫn có trường hợp diễn biến nặng gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, dẫn tới tử vong. Do vậy, người dân không nên chủ quan với loại virus này.
“Hiện nay, cúm A/H1N1 đã trở thành cúm mùa thông thường, tồn tại ở nhiều nơi. Tuy nhiên, đối với đối tượng nguy cơ như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, khi mắc cúm mà không đến bệnh viện vẫn có thể có biến chứng nặng”- Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà nói./.