Hợp tác quốc gia về việc làm bền vững giai đoạn 2012-2016
(VOV) - Các đại biểu thảo đã thảo luận các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của các bên về Chương trình việc làm bền vững.
Hôm nay (25/6), tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực thực hiện chương trình khung hợp tác quốc gia về việc làm bền vững giai đoạn 2012-2016”.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của các bên về Chương trình việc làm bền vững giai đoạn 2012-2016; về khả năng lồng ghép việc làm bền vững trong chính sách và pháp luật trong lĩnh vực lao động; hình thành mạng lưới liên kết giữa các cơ quan thực hiện chính sách và pháp luật trong quá trình thúc đẩy việc làm bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết: Để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, 2011-2015, Tổ chức lao động quốc tế đã xây dựng một khung hợp tác với Việt Nam cho giai đoạn 2012-2015. Chương trình khung hợp tác quốc gia về việc làm bền vững được xây dựng dựa trên các ưu tiên của Chính phủ và của các đối tác xã hội về lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phù hợp với Chiến lược và chương trình của Tổ chức lao động quốc tế ở cấp độ toàn cầu, phù hợp với Kế hoạch chung của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Chương trình này là công cụ chính để Tổ chức lao động quốc tế và các đối tác 3 bên sử dụng trong việc lập kế hoạch hợp tác hàng năm và huy động các nguồn lực một cách hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy mục tiêu việc làm bền vững ở nước ta.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế về việc làm bền vững giai đoạn 2012-2016 vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Bá Ngọc cho biết: “Những thách thức liên quan đến việc hoàn thiện khuôn khổ luật pháp để cùng nhắm tới mục tiêu chung là tạo việc làm phát triển xã hội. Thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực sao cho hệ thống đào tạo dạy nghề của chúng ta đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, của xã hội hay những cách thức về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực để mở rộng an sinh xã hội. Thách thức mở rộng bao phủ của các tổ chức đại diện cho người lao động cũng như người sử dụng lao động”./.