Hướng mới trong điều trị cho người nghiện ma túy ở Sơn La
(VOV) -Tỉnh đang triển khai đề án thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone.
Sơn La là tỉnh có tỷ lệ người nghiện ma túy cao nhất cả nước, có thời điểm tỷ lệ người nghiện trên dân số là 1,1%. Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS qua đường tiêm chích ma túy vì thế cũng chiếm tỷ lệ cao, ở mức 67,3%. Từ thực tế một số tỉnh, thành phố triển khai đề án thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone đã mang lại kết quả tích cực, tỉnh Sơn La đã triển khai phương pháp này.
Trước khi triển khai khởi liều điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Sơn La đã tuyên truyền, tuyển chọn, hướng dẫn về phương pháp này cho người nghiện và gia đình họ. Cách tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cũng thật ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào trao đổi kiến thức, hướng dẫn thực hành khiến các học viên cảm thấy hứng khởi và hy vọng điều tốt đẹp đến với mình trong tương lai không xa nhờ chất thay thế Methadone.
Nhóm khởi liều đầu tiên được điều trị tại Cơ sở điều trị Methadone trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La gồm 15 bệnh nhân. Trong đó, có 5 người nhiễm HIV, chiếm tỷ lệ 33,3%. Trong số bệnh nhân hiện đang điều trị có nhiều bệnh lý khác kèm theo, nên cơ sở điều trị phối hợp với các chuyên khoa để đảm bảo có phác đồ hiệu quả.
Mới 22 tuổi, nhưng anh Lò Văn Mạnh, dân tộc Thái ở bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La đã nghiện ma túy hơn 6 năm nay. Việc tiêm chích ma túy với bằng ấy thời gian cũng đủ để tàn phá cơ thể thanh niên trai tráng của anh. Hết cai nghiện tại trung tâm của thành phố, lại đến tỉnh, nhưng cứ ra rồi lại vào, tái nghiện vẫn hoàn tái nghiện.
Từ buổi mẹ đi họp ở Ủy ban xã về cai nghiện bằng chất methadone, được mẹ khuyên răn, anh Lò Văn Mạnh đã đến đăng ký được uống Methadone tại trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh. Anh Lò Văn Mạnh hy vọng sau cai nghiện sẽ đi học nghề và tìm công việc ổn định rồi sẽ tìm một mái ấm gia đình.
Khoảng cách từ khu dân cư, các bản của thành phố đến cơ sở điều trị không quá xa, là điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đến uống thuốc đầy đủ. Tuy nhiên trong thời gian tới khi triển khai chương trình này tại các huyện lại là điều rất khó khăn.
Ông Đàm Văn Hưởng, giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Việc triển khai điều trị bằng Methadone phải có cơ sở vật chất, nhưng hiện nay tại các huyện đang gặp không ít khó khăn. Vì ở Sơn La tỷ lệ nghiện chích ma túy chiếm tỷ lệ cao, trên 1% dân số, mà mỗi điểm Methadone chỉ triển khai được cho 300 - 500 người nghiện chích”.
Tiêm chích ma túy hiện là phương thức lây truyền HIV chủ yếu, với tỉnh miền núi Sơn La cũng vậy, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma túy ở Sơn La lên đến 29,7%. Để triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, tỉnh Sơn La cũng đã tham khảo, học hỏi, nghiên cứu cách làm hiệu quả từ các tỉnh đã thí điểm.
Ông Nguyễn Ngọc Toa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho biết: “Trước mắt, Ban chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo thí điểm ở thành phố Sơn La. Sau khi triển khai tốt, ổn định thì sẽ triển khai ra các địa bàn khác. Ban chỉ đạo cai nghiện thuốc Methadone kết hợp giữa ban 03, ban 50 rà soát các đối tượng cho thật chặt chẽ, sau đó đưa vào dùng thuốc Methadone”.
Điều trị Methadone là một biện pháp phòng chống ma túy, HIV/AIDS, là hướng đi mới của tỉnh miền núi Sơn La. Cùng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân người nghiện ma túy, rất cần sự chung tay, góp sức của gia đình, xã hội, sự vào cuộc của các cấp các ngành nhằm khống chế tình trạng sử dụng ma túy, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV, thực hiện thành công nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về những vấn đề cấp bách trong phòng chống HIV/AIDS./.