Huyện Cẩm Giàng nói không có chuyện máy xúc cán dân
Chính quyền huyện Cẩm Giàng, Hải Dương khẳng định không có chuyện máy xúc cán dân "vì chèn qua thì sao sống được".
>> Vụ máy xúc chèn qua người dân vì ngăn cản thi công
>> TP HCM: Máy xúc cán chết người nhặt ve chai
Chiều tối 10/7, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đã họp với các sở ngành, lãnh đạo và Công an huyện Hải Dương để chỉ đạo giải quyết vụ việc xô xát giữa đơn vị thi công xây dựng Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) xảy ra vào sáng cùng ngày. Ông Hiển khẳng định vụ việc xảy ra vô cùng đáng tiếc và nằm ngoài chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng, khẳng định không hề có việc này. “Với khối lượng hàng chục tấn mà xe máy xúc chèn qua thì người bị chèn sẽ không qua khỏi. Kết quả khám nghiệm hiện trường và kết quả điều tra ban đầu thì thấy rõ xe máy xúc không chèn qua người mà do xô xát bà Châm ngã vào máy xúc và bị thương” - ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng không được thi công khi chưa báo cáo cơ quan chức năng và không có phương án đảm bảo an toàn.
Ông Hiển chỉ đạo các ban ngành, Công an tỉnh và Công an huyện phải tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc, xác định phía nào sai để có biện pháp xử lý.
Người dân không cho di chuyển máy xúc khỏi hiện trường - (Ảnh: Tiến Thắng) |
Ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, khẳng định: “Những hình ảnh trong clip của người dân không đúng, có thể do góc họ quay hay làm gì nên thành như thế. Phía Công an huyện và các phòng chức năng xuống hiện trường báo về không có chuyện xe chèn qua người, vì chèn qua thì sao sống được”.
Chiều tối 10/7, bà Lê Thị Châm (55 tuổi) được chuyển từ phòng cấp cứu thuộc khoa ngoại 1 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương lên Bệnh viện Việt - Đức để tiếp tục cấp cứu vì bị vỡ xương hàm, xương bả vai và nhiều thương tích khác trong lúc xô xát tại Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương).
Bà Lê Thị Thúy (chị bà Châm) cho biết các bác sĩ của bệnh viện sau khi cấp cứu và xem hồ sơ đã tư vấn vì bà Châm có tiểu sử bệnh tiểu đường và Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng chưa có chuyên môn cao trong việc phẫu thuật xương hàm mặt nên đề nghị chuyển bà lên Bệnh viện Việt - Đức để tiếp tục cấp cứu.
Tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, bà Châm đã tỉnh táo trở lại và có thể hút được sữa nhưng không nói được vì xương hàm bị vỡ. Không giấu nổi sự bàng hoàng khi nghĩ lại sự việc xảy ra sáng 10-7, bà Thúy nghẹn ngào cho biết đến giờ cũng không dám nghĩ đến việc họ lại cho máy xúc lao thẳng vào người dân như vậy.
Chiều tối 10/7, bà Châm tỉnh táo và đã có thể hút sữa (Ảnh: Tiến Thắng) |
Theo bà Thúy, thời điểm mọi người tập trung để ngăn không cho máy xúc tiến vào bên trong Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền thì bà cũng có mặt trong đoàn và đứng gần em gái nên chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc.
“Chiếc máy xúc cũng gầm gừ lao thẳng về phía trước người dân đang đứng chặn, khi đó mọi người tán loạn dạt lùi lại phía sau nhưng bà Châm bị ngã xuống đống cát gần đó khi lùi lại nên không kịp tránh và bị bánh xích máy xúc chèn lên người. Tôi kêu gào lùi xe lại vì cán chết người rồi nhưng phải mươi phút sau xe mới chịu lùi” - bà Thúy lấy tay lau nước mắt.
Bà Thúy cho biết diện tích ruộng của cả gia đình bà và người em gái bị thu hồi để phục vụ cho dự án là khoảng 5 sào Bắc bộ (360m2/sào). Cả hai chị em không nhận tiền đền bù và yêu cầu giải quyết thỏa đáng 7-8 năm nay mà không được.
Ông Lê Văn Hưng (68 tuổi, anh rể bà Châm) cho biết trưa 10/7, người của công ty mang đường, sữa và gửi lại 2 triệu đồng thăm hỏi.
Nhiều người dân đang giữ đất cũng khẳng định chứng kiến vụ việc và thấy rõ bánh xe máy xúc chèn qua người bà Châm. Khi đấy người dân phải hô hào, ném đất cát vào khoang lái của máy xúc yêu cầu lái xe lùi lại. Người dân cũng khẳng định hình ảnh trong clip là hình ảnh thật, họ đã lưu lại để làm bằng chứng./.