Huyền thoại CK2

Gần nửa thế kỷ trôi qua, Đài CK2 luôn làm tốt nhiệm vụ nối dài cánh sóng tới mọi miền của Tổ quốc. Và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Đài vẫn ngày đêm lặng lẽ viết nên một huyền thoại về sức sống bất diệt của Tiếng nói Việt Nam

>> Huyền thoại vẻ vang dưới chân Núi Vàng

>> 9 lần nhận nhiệm vụ đặc biệt

Ẩn mình dưới những dãy núi và bạt ngàn rừng cây, Đài Phát sóng Phát thanh CK2 đến nay vẫn còn là một bí ẩn với nhiều người.

Những ký ức khó quên

Bỏ lại đằng sau những ồn ào, náo nhiệt chốn thị thành, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình trở về CK2, với cảm nhận về một vùng đất ấm áp và bình yên, dù chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 40km về phía Tây.

Đài phát thanh CK2 hôm nay

Nằm khép mình giữa những dãy núi và rừng cây, Đài Phát sóng Phát thanh CK2 thuộc địa phận xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Thật khó có thể diễn tả hết cảm xúc của chúng tôi - những P.V Tiếng nói Việt Nam thuộc thế hệ sau, khi được tới thăm mảnh đất lịch sử - nơi đã ghi dấu bao chiến công của các thế hệ đi trước trong việc gìn giữ và bảo vệ làn sóng phát thanh qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước. Và càng tự hào hơn khi trong những ngày tháng Tám này, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Đài Phát sóng Phát thanh CK2, Nhà máy A đặt trong hang Núi Vàng thời kỳ chiến tranh, vinh dự được đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử ngành Phát thanh Việt Nam.

Trong ký ức của nguyên Phó giám đốc Đài CK2 Lưu Bình Phong, ngày 1/5/1965 là một ngày không thể quên khi ông được nhận lệnh về công tác tại Đài CK2. Lúc ấy, để thực hiện công tác bảo mật, ông cũng như nhiều người khác được bí mật chuyển tới hang Núi Vàng trong xe kín. Thậm chí, gia đình cũng không được biết tin tức gì về ông cho mãi tới những năm 1975, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Gắn bó với Đài Phát sóng phát thanh CK2 qua suốt 45 năm hình thành và phát triển, ông chính là một trong những nhân chứng sống cho lịch sử đầy vẻ vang của Đài trên địa danh Núi Vàng. Cuối năm 1965, cùng với lực lượng dân quân ở xã Tân Tiến, các cán bộ, nhân viên của Đài CK2 đã tiến hành cải tạo hang Núi Vàng để đặt máy móc, thiết bị. Đến những năm 1971 - 1972, Đài CK2 lại phải sơ tán một bộ phận xe thiết bị vào đặt ở dưới những lùm cây to trong địa bàn xã Tân Tiến. Khi ấy, vẫn sử dụng những anten dã chiến bằng cột tre, khi cần lại dựng lên, xong lại phải ngay lập tức hạ xuống để tránh máy bay địch.

 

 

Nhớ trận lũ lịch sử tháng 8/1978, khi nước tràn từ Cánh đồng Vàng vào trong hang núi, để đảm bảo tính liên tục cho làn sóng phát thanh, các cán bộ, nhân viên của Đài phải huy động toàn bộ lực lượng tiến hành tát nước, đắp đập để nước không tràn vào các tủ điện, máy móc, thiết bị. Khi ấy, dù hang ngập nước, các máy phát vẫn hoạt động bình thường. Một đồng chí được cắt cử đứng sẵn ở cầu giao điện để ngắt cầu giao ngay khi xảy ra sự cố. Bỗng nhiên, một tiếng sét lớn bất thần chạy qua làm chập điện. May thay, trong giây phút ấy, cầu giao điện đã được ngắt kịp thời, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể nói, dù trong bất cứ trường hợp nào, bất chấp mọi hiểm nguy, Đài CK2 vẫn cố gắng duy trì hoạt động để Tiếng nói Việt Nam không ngừng được truyền đi khắp mọi miền đất nước và đến với bạn bè quốc tế.

“Những ngày đầu, do máy móc, thiết bị còn thiếu thốn và trình độ của anh em còn hạn chế, những sự cố liên tục xảy ra. Những khi ấy, bất kể ngày đêm, có khi đang bưng bát cơm, các kỹ sư trẻ lúc bấy giờ như anh Hứa, anh Đoán… lại phải ngay lập tức đi xử lý” - nguyên Phó Giám đốc Lưu Bình Phong nhớ lại. Trong khó khăn, nhiều sáng kiến đã được phát huy. Khi xây dựng hệ thống thu trên đỉnh núi Bậc Cưa, chứng kiến cảnh anh em phải vất vả dùng vai gùi từng gùi đá, xi măng lên dốc núi, người Bí thư Đoàn thanh niên Đào Duy Hứa khi ấy đã nghĩ ra sáng kiến dùng dây cáp để đưa tời xuống thành từng đoạn 200m rồi đẩy xe cải tiến đưa lên. Nhờ sáng kiến ấy, hệ thống thu trên đỉnh núi Bậc Cưa đã được hoàn thành một cách nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như công sức cho anh em trong Đài CK2.

CK2 hôm nay

Gần nửa thế kỷ trôi qua, đã có biết bao đổi thay trên địa danh Núi Vàng này. Những con đường lát bê tông trải dài thay cho những con đường đất, những hàng cây xanh tốt thay cho những bụi sim, bụi cỏ ngập lối khi xưa, và cả những máy móc, kỹ thuật cũng hiện đại hơn nhiều so với trước… Nhưng có lẽ chỉ có một điều, theo cảm nhận của nguyên Phó Giám đốc Lưu Bình Phong, thì vẫn còn vẹn nguyên phong cách cũng như cái tình người nơi đây, để rồi có đi bất cứ nơi đâu, người ta vẫn có thể nhận ra nó như một dấu ấn, một đặc trưng không thể trộn lẫn. Những dấu ấn từ những tháng ngày đồng cam cộng khổ, sẻ chia, đoàn kết để cùng nhau vượt qua gian khó, khắc phục mọi trở ngại để thực hiện nhiệm vụ phát sóng, tiếp nối các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

Đó là những năm tháng gian khó khi những cán bộ, nhân viên của Đài CK2 phải lặn lội dậy từ 4h sáng, đi hơn 40 cây số tới tận chợ Mơ để mua những thực phẩm thiết yếu như thịt, đậu phụ, đường… theo chế độ tem phiếu. Nhưng có những khi ra tới nơi thì chỉ còn cân đậu phụ, hoặc khi về được tới nhà thì thịt cũng đã thiu từ bao giờ. Nhưng giữa những vất vả, thiếu thốn, vẫn có những niềm vui khi sau giờ làm việc căng thẳng, họ lại được ngồi cùng nhau trong những lớp học chuyên môn vào thứ 4 hàng tuần, được sẻ chia với nhau những nỗi buồn, niềm vui nho nhỏ.

Đến CK2 hôm nay, cùng với thế hệ những người đã hơn 30 năm gắn bó với địa danh Núi Vàng như anh Phạm Đình Hùng, anh Nguyễn Văn Khỏe, còn có sự góp mặt của những gương mặt rất trẻ. Lần đầu tiên đặt chân tới Núi Vàng, cảm giác của Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1977, tổ Quản lý, Khai thác và Vận hành máy) là một nỗi buồn không thể che giấu khi nhìn thấy không gian bốn bề toàn núi rừng hoang vắng và tĩnh tại. Nhưng cùng với thời gian, nỗi buồn cũng dần qua đi, nhường chỗ cho niềm vui khi Phượng nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các anh, các bác đi trước, được tham gia những buổi sinh hoạt sôi nổi cùng Đoàn Thanh niên hay Hội Phụ nữ. Khi chúng tôi đến, Phượng cùng các bạn trong Đoàn Thanh niên đang say mê luyện tập những ca khúc cho ngày Lễ kỷ niệm 45 năm Đài Phát sóng phát thanh CK2 (20/8/1964 - 20/8/2009). Giờ đây, với Phượng cũng như nhiều người trẻ tuổi khác đang công tác tại Đài CK2, được làm việc và gắn bó với địa danh Núi Vàng đầy vẻ vang này chính là niềm tự hào lớn. 

Khi màu xanh bạt ngàn của những rừng cây trên Núi Vàng đã khuất xa tầm mắt, chúng tôi bỗng nhận ra rằng, cảm giác ấm áp và bình yên mà chúng tôi cảm nhận được khi đặt chân đến nơi đây, không phải ở khoảng cách địa lý 40km so với trung tâm thành phố, mà chính ở cái tình người của những con người đã bao năm gắn bó với mảnh đất Núi Vàng thân thương này - mảnh đất đã sinh ra những con người mang trong mình hai chữ: Tâm - Tài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên