ILO cảnh báo về tình trạng lao động trẻ em
Cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đang diễn ra có thể ảnh hưởng lớn hơn đến việc thực hiện mục tiêu loại bỏ việc trẻ em phải lao động
Số lượng lao động trẻ em trên toàn thế giới đã giảm 3% trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2008, so với mức giảm 10% trong giai đoạn 2000-2004. Thông tin này do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra tại buổi công bố báo cáo toàn cầu (báo cáo 4 năm một lần) về lao động trẻ em ngày 7/5 vừa qua.
ILO cũng bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đang diễn ra có thể ảnh hưởng lớn hơn đến việc thực hiện mục tiêu loại bỏ việc trẻ em phải lao động. Báo cáo cũng đề xuất cần đặt các chính sách để giải quyết tình trạng lao động trẻ em ở vị trí trung tâm trong chương trình phát triển của các nước.
Giám đốc Chương trình Quốc tế về loại bỏ lao động trẻ em của Tổ chức Lao động Quốc tế, bà Constance Thomas cho biết, tiến trình thực hiện mục tiêu giảm lao động trẻ em đang chậm lại. Nếu xu hướng này tiếp tục, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu loại bỏ các hình thức nguy hiểm của lao động trẻ em vào năm 2016. Hiện có 215 triệu lao động trẻ em; 115 triệu trong số đó phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ. Chúng tôi đã ghi nhận được mức giảm 10% số lao động trẻ em từ 5 đến 14 tuổi và mức giảm 31% trẻ em làm việc trong những môi trường nguy hiểm nhất.
Các xu hướng từ năm 2006
Nếu như báo cáo toàn cầu năm 2006 đưa ra nhiều tín hiệu khả quan hơn về tình hình xóa bỏ lao động trẻ em thì kết quả của báo cáo mới này lại có xu hướng trái ngược. Năm 2010 cho thấy một bức tranh mới ở đó việc thực hiện mục tiêu xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất tính đến 2016 không được ổn định. Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp tục tồn tại, mục tiêu 2016 sẽ không đạt được. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra một điểm tích cực là công cuộc xóa bỏ lao động trẻ em duy trì được xu hướng chung: có xu hướng giảm nhanh đối với trẻ em làm việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và có nhiều tổn thương. Tuy nhiên, vẫn còn 115 triệu trẻ em đang làm những công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm – thường được coi là các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Báo cáo phân chia số liệu theo tuổi và giới. Tốc độ xóa bỏ lao động trẻ em nhanh nhất ở trẻ trong độ tuổi 5-14, với tỉ lệ giảm là 10%. Số trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong nhóm này giảm 31%. Lao động trẻ em gái giảm đáng kể (15 triệu em, tương đương 15%).
Báo cáo toàn cầu 2010 cũng nhóm các số liệu theo vùng. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Châu Mỹ La-tinh và vùng biển Caribe tiếp tục giảm số lượng lao động trẻ em, trong khi ở vùng hạ sa mạc Sahara Châu Phi, con số tương đối và tuyệt đối đều tăng. Đây là vùng có tỷ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế cao nhất, cứ 1 trong 4 trẻ em tham gia hoạt động kinh tế bị xếp vào nhóm lao động trẻ em.
Lao động trẻ em có nguyên nhân gốc rễ từ đói nghèo
Bà Constance Thomas, đưa ra một số thách thức chính còn tồn tại đối với việc xóa bỏ lao động trẻ em, bao gồm, mức độ nghiêm trọng của vấn nạn lao động trẻ em ở châu Phi nơi cần có bước đột phá về xóa bỏ lao động trẻ em trong khu vực nông nghiệp – khu vực có nhiều lao động trẻ em làm việc nhất – cũng như tính cấp thiết trong việc xác định các hình thức lao động trẻ em “trá hình”, lại chính là những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Bà nói: “Hầu hết lao động trẻ em có nguyên nhân gốc rễ từ đói nghèo. Đường hướng giải quyết vấn đề này đã rõ ràng. Chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả trẻ em có cơ hội đến trường, chúng ta cần có hệ thống bảo trợ xã hội giúp đỡ những gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt trong những giai đoạn khủng hoảng và chúng ta cần đảm bảo rằng người lao động có cơ hội việc làm bền vững. Những biện pháp này, kết hợp với thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả, chính là con đường đúng đắn cần hướng đến”.
Chương trình IPEC của ILO được bắt đầu từ năm 1992, và tính đến năm 2008-2009, chương trình đã hoạt động ở 90 quốc gia trong đó có Việt Nam. Trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia về Việc làm bền vững, tổ chức ILO đã đề xuất Dự án Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình quốc gia về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt và được đưa vào thực hiện tháng 3/2010. Bà Vejs-Kjeldgard, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nói: “Phối kết hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, các tổ chức đoàn thể của Việt Nam là chìa khóa để xóa bỏ việc trẻ em phải lao động. Cũng trong quá trình này, sự phối hợp giữa Một Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác cùng hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển chung của quốc gia là rất quan trọng để xóa bỏ lao động trẻ em một cách hiệu quả”.
Dự án tại Việt Nam hoạt động ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương nhằm: cải thiện cơ sở thông tin và dữ liệu quốc gia về lao động trẻ em, tạo ra môi trường thuận lợi để xóa bỏ lao động trẻ em thông qua điều chỉnh luật pháp chính sách phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Hội nghị toàn cầu về lao động trẻ em tổ chức ở thành phố The Hague, Hà Lan vào 2 ngày (10-11/5) với sự tham gia của 450 đại biểu từ 80 quốc gia. Đại biểu của Việt Nam tham dự đến từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, và Bộ Giáo dục và đào tạo. Cuộc gặp gỡ này sẽ là nơi đưa ra báo cáo chung của tổ chức ILO, Ngân hàng Thế giới và UNICEF.
Báo cáo có tên “Phối hợp các nguồn lực chống lao động trẻ em – Báo cáo liên ngành cho Hội nghị toàn cầu về lao động trẻ em 2010 tại The Hague”. Báo cáo này kêu gọi đặt vấn đề lao động trẻ em lên vị trí hàng đầu trong các chương trình phát triển quốc gia, đồng thời cũng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy lao động trẻ em góp phần lớn vào việc cản trở sự phát triển quốc gia./.