Kè biển 60 tỷ đồng ở Quảng Bình bị sóng đánh vỡ
VOV.VN - Kè biển xã Nhân Trạch dài khoảng 3 cây số, bảo vệ gần 800 hộ dân trong vùng sạt lở được xây dựng 60 tỷ đồng bị sóng đánh vỡ gây sụt lún nghiêm trọng
Kè biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được xây dựng lên tới 60 tỷ đồng. Kè biển này bị sóng biển đánh vỡ nhiều mảng lớn, gây sụt lún nghiêm trọng. Những ngày qua, hàng trăm người dân 1nơi đây khẩn trương gia cố lại đoạn kè biển bị hỏng.
Hơn 200 người dân ở xã Nhân Trạch phải đi khắc phục kè biển bị vỡ.
Kè biển xã Nhân Trạch dài khoảng 3 cây số, bảo vệ gần 800 hộ dân trong vùng sạt lở. Mấy ngày qua, mưa lớn, sóng biển dâng cao đánh sập một mảng kè lớn, để lại hàm ếch sâu hoắm, các vết nứt trên thân kè kéo dài hơn 15 mét.
Ông Hồ Thế Hiền, người dân ở thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch cho biết, kè biển được làm sơ sài, mỗi lần biển động người dân nơi đây lại nơm nớp lo sợ: “Vỡ kè nước biển, đất đá sẽ vào nhà dân, cho nên phải huy động cả làng ra để khắc phục được đến đoạn nào hay đoạn đó. Ngày hôm qua cả làng làm cả ngày, từ 8 giờ đến 6 giờ tối, mà hiện tại vẫn chưa xong, còn chở đất về để dự bị”.
Người dân xã Nhân Trạch chất cát vào bao tải để gia cố đê. |
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đây là lần thứ 3 sóng biển đánh vỡ bờ kè này. Chính quyền địa phương đã huy động hơn 200 người dân cùng các phương tiện cơ giới gia cố lại bờ kè, chống sạt lở nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế: “Trước tình trạng sóng to gió lớn, nếu để kè sạt lở thì rất ảnh hưởng đến bà con, trên 800 hộ dân bị ảnh hưởng. Như tối qua sóng to gió lớn lại sập tiếp, bây giờ anh em chờ cấp trên hỗ trợ để huy động người làm tiếp”.
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, việc sạt lở diễn ra nghiêm trọng, uy hiếp xóa sổ khu dân cư.
Các mảng kè biển Nhân Trạch tiếp tục sạt lở, hàng chục người dân lo ngại, kéo đến xem. |
Ông Vũ cho biết thêm, nhiều người lo ngại công trình được đầu tư 60 tỷ đồng tại địa phương này chưa phù hợp với sức gió bão của vùng. “Những lúc có bão lớn và sóng mạnh đều bị hư hỏng cả, hiện nay kinh phí còn hạn hẹp nên sửa chữa khó khăn. Công trình này theo thiết kế thì chỉ chịu được gió bão cấp 9, cấp 10, nhưng vùng mình gió bão khắc nghiệt lên đến cấp 12 cho nên giải pháp kỹ thuật xem ra chưa phù hợp”./.