Kết thúc đợt 1 xả nước phục vụ sản xuất đông xuân

Hầu hết công trình thuỷ lợi từ Sơn Tây (Hà Nội) đến Hưng Yên đều có đủ điều kiện lấy nước theo yêu cầu.

Sáng 2/2, các hồ thủy điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã tạm ngừng xả nước kết thúc đợt 1 đưa nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân 2010-2011.

Theo Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian 7 ngày của đợt 1 (từ 25/1 đến mùng 1/2) hơn 1,3 tỉ m3 nước từ các hồ thuỷ điện được đưa về hạ du dâng cao mực nước sông Hồng ở Hà Nội đảm bảo điều kiện cho công trình thuỷ nông của các địa phương ở trung du và đồng bằng sông Hồng lấy nước đổ ải.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đặng Duy Hiển, Phó vụ trưởng Vụ quản lý công trình, Tổng cục Thuỷ lợi về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Tổng cục Thuỷ lợi đánh giá như thế nào về nguồn nước trong đợt xả lần 1 từ các hồ thuỷ điện phục vụ sản xuất đông xuân 2010-2011?

Ông Đặng Duy Hiển: Tính toán của Tổng cục Thuỷ lợi thì trong thời gian 7 ngày từ ngày 25/1 đến ½, tổng lượng xả của 3 hồ đưa về hạ du là 1,390 tỷ m3. Trong đó, hồ Hoà Bình xả là 840 triệu m3, Thác Bà là 200 triệu m3 và hồ Tuyên Quang là xấp xỉ 400 triệu m3. Lưu lượng bình quân ngày từ 2.000 đến 2.400 m3/giây, giờ cao điểm từ 2.500 đến 2.800 m3/giây, nhiều thời đoạn lên đến 3.100 đến 3.200 m3/giây.

Do các hồ thuỷ điện xả nước nên dòng chảy hạ du sông Hồng đều dâng cao, các trạm đo như: Phù Sơn, Tuyên Mạc, Xuân Quan đều đáp ứng được mực nước thiết kế để công trình lấy nước tối đa. Tính từ 1 giờ sáng 27/1 đến nay mực nước ở Hà Nội thường xuyên duy trì trên 2m, cao nhất đạt 2,66m và với chỉ tiêu mực nước như vậy thì hầu hết công trình bao gồm các cống trạm bơm từ Sơn Tây (Hà Nội) đến Hưng Yên đều có đủ điều kiện lấy nước theo yêu cầu.

PV: Xin ông cho biết kết quả lấy nước của các địa phương đến thời điểm này như thế nào?

Ông Đặng Duy Hiển: Năm nay, bước vào đợt xả thứ nhất không có trận “mưa vàng” như vụ đông xuân năm ngoái. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rất nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo chống hạn và đã huy động mọi phương tiện tập trung lấy nước vào ruộng để trữ trong những vùng trũng thấp, ao đầm và kênh trục.

Từ ngày 26/1 đến nay, các địa phương đã tổ chức lấy nước tối đa trong đợt xả nước và đến 10 giờ ngày 2/2 tổng diện tích toàn vùng đã có nước là 416.000 ha trên tổng số 630.000 ha theo kế hoạch, đạt 66%. Trong đó vùng trung du bao gồm Phú Thọ và Bắc Giang diện tích có nước là 29.000/76.000 ha, đạt 38%, riêng đồng bằng sông Hồng thì diện tích của 10 tỉnh có nước đạt 387.000/550.000 ha đạt xấp xỉ 70%, trong đó một số địa phương lấy được nước nhiều như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Tuy nhiên trong đợt này do tập quán canh tác và một số diện tích được tưới bằng hồ thuỷ lợi chủ động về nguồn nước nên diện tích có nước là chưa nhiều.

PV: Tổng cục Thuỷ lợi lưu ý các địa phương và bà con nông dân như thế nào trong thời gian nghỉ Tết nguyên đán Tân Mão và trước thời điểm xả nước đợt 2 từ các hồ thuỷ điện, thưa ông?

Ông Đặng Duy Hiển: Sau ngày 2/2, các hồ thuỷ điện tạm ngừng xả nước. Tuy nhiên, hiện nay lưu lượng nước vẫn đang tiếp tục dồn về phía hạ nguồn và diễn biến thuỷ triều còn đang ở mức cao. Chính vì vậy, các địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở vẫn phải tiếp tục vận hành các trạm bơm và theo dõi sát nguồn nước để vận hành các cống nhằm tiếp tục lấy nước tích trữ vào trong hệ thống để sau Tết nguyên đán là có nước để gieo cấy ngay.

Đối với bà con nông dân, trước hết phải chuẩn bị giống để gieo mạ và quản lý tuổi mạ. Bởi sau Tết thời tiết sẽ ấm dần lên khi đó đã có sẵn nguồn nước ở hệ thống và kênh mương để tổ chức sản xuất ngay. Với những diện tích cây vụ đông đã chín, đề nghị các địa phương phải thu hoạch để có mặt bằng đưa nước vào; những diện tích đã gieo mạ thì phải đắp bờ và khoanh vùng để giữ tuổi mạ và đảm bảo đưa nước cho những diện tích xung quanh ruộng mạ đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên