Khắc phục bất cập trong rà soát, xác định hộ nghèo
VOV.VN - Việc xác định đúng, đủ tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo tiêu chí mới sẽ là căn cứ để tỉnh Bắc Kạn có các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ bà con vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Bắc Kạn đang khẩn trương hoàn thành tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Nhằm hạn chế tối đa sai sót, bất cập trong đánh giá cũng như thuận lợi cho áp dụng bộ tiêu chí tiếp cận đa chiều mới, Bắc Kạn yêu cầu các địa phương, đơn vị nghiêm túc đánh giá từ cơ sở, tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là phải có sự đồng thuận, nhất trí của cộng đồng dân cư khi thực hiện.
Năm 2016, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tổng điều ra, rà soát các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều. Tuy nhiên, khi áp dụng tại một số địa phương đã nảy sinh những bất cập khiến người dân chưa đồng thuận. Đơn cử như tại thôn Khuổi Trà, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, một hộ 2 năm liền sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, có đủ đất canh tác, trong chuồng có tới 10 con trâu, nhiều gia súc, gia cầm… vẫn được đánh giá thuộc diện hộ nghèo.
Nguyên nhân là bởi gia đình này tuy thu nhập khá, song lại thiếu tiêu chuẩn như nhà vệ sinh, chưa có điện lưới quốc gia và thiếu diện tích nhà ở… Hay như tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, có trường hợp cặp vợ chồng tàn tật, phải nuôi con nhỏ, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng hiệu quả thấp do thiếu sức lao động lại không đủ tiêu chí xét duyệt hộ nghèo vì đã được người thân hỗ trợ các loại đồ dùng thiết yếu…
Để khắc phục những bất cập này, bộ tiêu chí đánh giá đa chiều mới áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 đã giảm bớt một số tiêu chí không phù hợp, bổ sung tiêu chí "việc làm"; đồng thời các quy định mới cũng đã được lượng hóa, cụ thể hơn.
Thôn Bắc Lanh Chang có 110 hộ, là thôn có số hộ đông nhất của xã Lục Bình, huyện Bạch Thông. Để việc đánh giá được sát thực, đúng đối tượng, Tổ rà soát đã được thành lập từ sớm với thành viên là cán bộ ban chỉ đạo xã, cán bộ thôn và thành viên Mặt trận Tổ quốc.
“Tôi thấy bộ tiêu chí mới lần này dễ áp dụng và hợp lý hơn giai đoạn 2016-2021, có thôn anh em đi làm về nói là có gia đình khi đến rà soát, họ mang ti vi đi cất, vì có điểm sẽ mất hộ nghèo. Anh em bảo các bác không cần mang đi cất đi đâu vì giờ không cần đánh giá tiêu chí có ti vi nữa. Đấy, cái đó rất hợp lý vì mỗi nhà có thể có nhiều cách theo dõi thông tin khác nhau. Ở thôn tôi cũng có người thắc mắc bảo sao nhà nọ được, nhà tôi như thế không được, nhưng khi lấy bộ tiêu chí ra giải thích kỹ thì họ hiểu và đến giờ không ai thắc mắc nữa”, bà Nguyễn Thị Sự, Trưởng thôn Bắc Lanh Chang, xã Lục Bình nói.
Không chỉ ở Bắc Lanh Chang, chính quyền xã Lục Bình cũng yêu cầu tất cả các thôn phải công khai và hướng dẫn cụ thể cho người dân về bộ tiêu chí đánh giá. Sau rà soát phải niêm yết kết quả ít nhất trong 7 ngày tại hội trường thôn, đồng thời giải đáp cho từng người dân về các trường hợp còn vướng mắc.
“Đảng ủy xã cũng chỉ đạo UBND bám sát bộ công cụ đánh giá, cử cán bộ công chức xã trực tiếp tham mưu, thực hiện từ nội dung biên bản họp cấp thôn, xã. Thành viên Ban Chỉ đạo xã phải tham gia cùng tổ rà soát đi kiểm tra, rà soát từng hộ. Trong thực hiện thì yêu cầu MTTQ các cấp phải thực hiện giám sát từ các cuộc họp thôn, xã. Do đã được bám sát từ đầu nên đến thời điểm này chưa có vấn đề gì ảnh hưởng đến kết quả”, ông Hoàng Văn Trí, Bí thư Đảng ủy xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm.
Từ tháng 10 vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đồng loạt triển khai tổng điều tra, rà soát hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Do có thay đổi về tiêu chí đánh giá nên cán bộ làm công tác rà soát phải thực hiện 2 nhiệm vụ đồng thời là "Đánh giá tỉ lệ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí đa chiều cũ" và "Rà soát tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới, áp dụng cho giai đoạn 2022-2025".
Ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết: Bên cạnh làm tốt việc tập huấn cho cán bộ làm công tác rà soát, các địa phương yêu cầu các Tổ công tác có sự linh hoạt trong kiểm tra, đánh giá, đồng thời nhấn mạnh việc công khai, minh bạch kết quả đánh giá ngay từ thôn, tổ dân cư.
“Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát phải bám sát hướng dẫn, quy định của Trung ương, của tỉnh, việc rà soát phải minh bạch, thực chất, kết quả phải phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, cận nghèo từng địa phương. Một trong những yếu tố để khắc phục tồn tại trước đây là phải họp nhân dân lấy ý kiến biểu quyết, với các hộ được rà soát là nghèo, cận nghèo phải được ít nhất trên 50% số hộ trong thôn, tổ đó nhất trí”, ông Giang cho hay.
Đến thời điểm này, các địa phương tại Bắc Kạn đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo và chưa phát sinh vướng mắc, khiếu nại phức tạp. Việc xác định đúng, đủ tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo tiêu chí mới sẽ là căn cứ để các cấp, các ngành và địa phương có các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ bà con vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững./.