Khai thác cát trái phép – hệ lụy khôn lường
Khi các con sông vào mùa khô cạn, những trảng cát khổng lồ dưới dòng nước đỏ hôm nào lộ diện, thì cũng là lúc những doanh nghiệp, cá nhân khai thác cát có phép hoặc không phép đua nhau cất thuyền, dẹp máy hút và đưa hẳn máy xúc, máy ủi, ô tô xuống khai thác, tận thu...
Hoạt động khai thác cát kiểu này đã và đang diễn ra một cách nhộn nhịp công khai tại nhiều con sông trong cả nước...
Chúng tôi có mặt dưới chân Cầu Vĩnh Tuy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, tại đây hàng chục chuyến xe ben, xe tải trọng tải lớn mỗi ngày vẫn nườm nượp nối đuôi nhau, qua lại trên con đường mòn nối từ đường đê tả xuống bãi giữa sông Hồng để vận chuyển cát từ đây đến các công trình xây dựng. Tiếng động cơ của xe của máy ầm ĩ cùng bụi đất bay mù mịt. Cách dãy cột cầu Vĩnh Tuy khoảng hai chục mét, 4 chiếc máy múc, 2 chiếc máy ủi thi nhau hoạt động hết công suất, hối hả biến cát sông… thành tiền túi.
Ông Nguyễn Đức Minh một người dân sống ở phường Long Biên đã có thâm niên hàng chục năm trồng hoa màu trên bãi bồi giữa sông Hồng cho biết: Sông Hồng nay đã khác xưa nhiều lắm, nước sông khô cạn trở thành chuyện thường xuyên, bất kể thời gian nào trong năm. Hoạt động khai thác cát ở khu vực này thì diễn ra đã lâu và công khai, dạo trước có vẻ lắng xuống, từ sau Tết đến nay tình trạng đưa máy ra cày xới đào cát giữa sông với cường độ mạnh hơn.
Tình trạng khai thác cát không chỉ diễn ra ở khu vực Cầu Vĩnh Tuy mà diễn ra trên suốt đoạn sông Hồng chạy qua thành phố Hà Nội. Tính từ khu vực Cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, khu vực cầu Thanh Trì đến khu vực gần bến đò phường lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, bến đò Vân Phúc, huyện Phúc Thọ... đã có hàng chục điểm khai thác trên các cát bãi lộ thiên…
Theo những người hoạt động trong ngành xây dựng thì cát khai thác tại những bãi nổi có lẫn nhiều loại tạp chất như đất, đá, chủ yếu được dùng để đổ nền đường, lớp thảm trước khi lát gạch, đá, giá thành thấp hơn các loạt cát sạch được hút từ đáy sông. Tuy nhiên, việc khai thác lại rất đơn giản, không mất nhiều công sức, chỉ cần đánh xe ra giữa bãi lấy cát và chở đi bán mà không mất phí xăng dầu, bốc chuyển… Cát tại những bãi nổi trở thành miếng mồi ngon, nguồn thu siêu lợi nhuận mà những doanh nghiệp, cá nhân khai thác cát có phép hoặc không phép không dễ bỏ qua. Thế nên, ở đâu sông cạn dòng, bãi cát lộ ra, thì ở đó trở thành một đại công trường với nhiều máy móc xe cộ.
Ông Lê Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy Lợi, cho biết: việc khai thác cát trên sông cần phải được tính toán rất kỹ về dòng chảy, vị trí để từ đó xác định khối lượng, phạm vi và thời gian khai thác. Khai thác cát mà không được quy hoạch, sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm thay đổi kết cấu dòng chảy; ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão. Khai thác cát vào mùa cạn, sẽ làm cho mực nước xuống thấp, ảnh hưởng đến việc bơm-hút thủy lợi, giải quyết hạn hán. Bên cạnh đó, việc khai thác cát trái phép còn làm cho nhiều khúc sông bị thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, đất đai canh tác; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường 2 bên bờ sông, các công trình trên sông, và đời sống người dân ở dọc đê.
Ông Lê Mạnh Hùng nói: “Những công ty khai thác sẽ chọn những bãi cát dễ khai thác. Những vị trí đó nhiều khi không được phép khai thác, không có quy hoạch nhưng vẫn khai thác, sẽ sinh ra sạt lở, khó cho việc bơm-hút giải quyết hạn hán. Việc khai thác thường xuyên ở một vị trí, mỗi năm khai thác một ít, và khai thác dịch vào bờ hoặc để ngưỡng cạn đâm vào bờ thì sẽ hướng dòng chảy vào bờ, hoặc vào các mố cầu, sẽ gây ra sạt lở”.
Trước tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8312 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn, và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2009. Tuy nhiên, cho thời điểm này, tình trạng khai thác cát trên sông Hồng vẫn diễn ra một cách công khai, nhộn nhịp.
Tình trạng này cũng diễn ra ở sông Đáy, sông Mã – Thanh Hóa, sông Lam –Nghệ An, sông La – Hà Tĩnh, Sông La Ngà – Bình Thuận… Rõ ràng, việc khai thác cát bừa bãi và không có sự tính toán, quy hoạch sẽ đem lại nhiều hệ lụy khôn lường. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; và mỗi người dân cũng cần có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên của quốc gia, đấu tranh với hoạt động phi pháp, không vì những lợi nhuận trước mắt mà gây ra những tác động xấu tới xã hội và tài nguyên của đất nước./.