Khánh Hòa đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối để phát triển
VOV.VN - Phát triển hạ tầng giao thông mang tính kết nối nội vùng và liên vùng đóng vai trò đặt biệt quan trọng để Khánh Hòa thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Nghị quyết 09/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là trung tâm cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Để đạt được mục tiêu này, phát triển hạ tầng giao thông mang tính kết nối nội vùng và liên vùng đóng vai trò đặt biệt quan trọng.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km là một trong 4 dự án cao tốc đang được khẩn trương thi công tại tỉnh Khánh Hòa. Sau gần 1 năm thi công quyết liệt, các khó khăn về mặt bằng, vật liệu xây dựng đã cơ bản được tháo gỡ, đáp ứng tiến độ của dự án.
Ông Nguyễn Thanh Đông, Tập đoàn Sơn Hải, Phó Chỉ huy trưởng gói thầu đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Vào mùa mưa thì ưu tiên làm những phần lên trên phần mặt như rải cấp phối đá dăm. Ở miền núi, mùa mưa nước khó lường, nên phải làm cầu tạm, trong thời gian mưa lũ tràn qua, có thể dừng 5-7 ngày, khi nước rút cầu vẫn còn, mình vẫn đi, không để thi công ngưng trệ".
Khánh Hòa có diện tích hơn 5.000 km2, bị chia cắt bởi nhiều đồi, núi, sông, suối. Khánh Hòa cũng có đường bờ biển dài hơn 380 km, việc tổ chức giao thông, kết nối, đi lại giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Gần 30 năm trước, tỉnh Khánh Hòa ưu tiên đầu tư giao thông để tạo đột phá cho các địa phương. Các tuyến đường ven biển như đại lộ Nguyễn Tất Thành nối Sân bay Cam Ranh với thành phố Nha Trang; đường nối Quốc lộ 1A với Đầm Môn; Quốc lộ 26B, Quốc lộ 27C nối Khánh Hòa - Lâm Đồng... đã được đầu tư. Giao thông đã làm thay đổi đời sống nhiều vùng hẻo lánh, xa xôi. Việc phát triển giao thông của Khánh Hòa được chú ý với đủ 5 loại hình: đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải.
Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận: "Mở đường để phát triển kinh tế các khu vực hẻo lánh, miền núi. Người dân có thể tổ chức sản xuất nhưng không có đường để vận tải đi tiêu thụ, đó là thiệt hại lớn. Có đường để tăng thu nhập do vận tải thuận tiện. "Làm đường hơn xây chùa" là như vậy. Hồi giờ, dân Đầm Môn đâu biết đi xe máy toàn đi ghe thôi, khi có đường đó mới biết đi xe máy, toàn bộ sản phẩm đều vận chuyển bằng đường bộ. Cũng giống như đường đi huyện Khánh Vĩnh, đi thành phố Đà Lạt cũng thế, rất thuận lợi”.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, đưa vào khai thác 145 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 118 km. Tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương dài 134 km sẽ được triển khai sau năm 2030. Cùng với nâng cấp, duy tu, bảo trì 5 tuyến quốc lộ hiện hữu, đường bộ ven biển có điểm đầu tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, điểm cuối tại xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh dài 154 km cũng được đầu tư. Việc khớp nối các tuyến giao thông trong tương lai sẽ là động lực quan trọng để Khánh Hòa bứt phá.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Các hạ tầng giao thông nói chung là một trong những yếu tố quyết định phát triển kinh tế xã hội. Cần kết nối liên kết vùng, liên kết miền, khai thác các tiềm năng lợi thế của Khánh Hòa. Qua đó, đột phá các chiến lược về kinh tế biển, kết nối với Tây Nguyên để giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối”.
Khánh Hòa đang vướng nhiều thách thức khi nhu cầu nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch rất lớn nhưng nguồn của tỉnh và Trung ương còn hạn chế. Do đó, việc tính toán, huy động tất cả các nguồn lực để triển khai các dự án đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Đồng thời, Khánh Hòa cũng đang tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực, kêu gọi các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính để đảm bào tài chính thực hiện các dự án đầu tư mở rộng Sân bay Quốc tế Cam Ranh, các cảng biển...
Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình cấp thiết, trọng điểm theo hướng kết nối, liên thông và đa mục tiêu, nhất là các dự án đường bộ cao tốc.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Các công trình giao thông trên địa bàn của tỉnh khớp nối 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh với các đô thị đã được định hình. Quốc hội cũng đồng ý tuyến đường kết nối vùng khớp nối với Ninh Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng nghiên cứu đề xuất đầu tư theo hình thức công - tư dự án đường cao tốc Liên Khương - Nha Trang. Như vậy, 5-7 năm nữa, Khánh Hòa sẽ hoàn chỉnh các tuyến đường bộ".